“Xách làn đi chợ”

Đó là câu nói quen thuộc bao đời của người miền Bắc, nhưng hơn chục năm nay không ai còn dùng đến nữa. Cái làn là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình Hà Nội trước đây bây giờ cũng chỉ có thể tìm thấy ở… bảo tàng.

Cái làn ở miền Bắc là vật dụng được đan bằng tre, sợi mây, sợi guột, sợi cói. Tùy theo địa phương, có sẵn cây gì thì đan làn bằng cây ấy. Ở Hà Nội thì bán đầy đủ tất cả các loại làn. Không có ý định phân chia vùng miền nhưng các tỉnh phía Nam gọi chung những thứ ấy là cái giỏ. Chỉ khác ở chỗ vật liệu dùng để đan nó có thêm lá buông, lá bàng, lá dừa. Cái giỏ miền Bắc chỉ là công cụ dùng để bắt cua. Nó phải có cái “hom” như lờ tôm, chúm lươn, đó cá. “Hom” là cái nắp đan bằng tre hình phễu có răng nhọn. Tôm, cua, lươn, cá chỉ có thể chui vào mà không thể chui ra.

Hà Nội những năm chiến tranh kéo đến hết thời kỳ bao cấp thịnh hành dùng loại làn đan bằng sợi guột - một loài cỏ dại trên rừng, màu nâu bóng, sợi dai bền. Làn mây quá đắt tiền và làn cói hay bị ngấm nước mục ải. Làn guột đan thưa, thoát nước tốt. Sợi guột rất dai nên có thể đựng hàng hóa nặng. Chiếc làn hai quai hình trụ chữ nhật vê tròn các góc và khum miệng. Con gái Hà Nội đi chợ xách chiếc làn guột màu nâu sẫm thanh lịch, thịt, cá xếp xuống đáy, rau dưa phủ lên trên rất tao nhã kín đáo. Họa hoằn lắm mới thấy một con gà thò cái đầu ra khỏi miệng làn ngơ ngác ngắm phố.

Chiếc làn sợi guột theo dân phố đi về các làng quê thời kỳ sơ tán với đủ tất cả các tính năng. Muối, dầu, gạo, thịt, rau cỏ cho vào làn móc lên ghi đông xe đạp đi hàng chục cây số tiếp tế cho trẻ con. Lũ trẻ ở nơi sơ tán nhìn cái làn mẹ đeo trên xe đạp từ xa đã phát hiện ra độ nặng nhẹ. Làn nặng chỉ là những thứ không ăn ngay được. Hôm nào làn nhẹ ắt hẳn có bánh trái, quần áo mới.

Những năm chiến tranh ác liệt, sợi guột, sợi cói khan hiếm vì không thể vận chuyển. Người Hà Nội nghĩ ra chiếc làn sắt. Làn được đan bằng tôn sắt đề-xê đã dập lấy hình. Phần còn lại là tấm sắt trắng thủng lỗ chỗ khi vuông, khi tròn, khi dài tùy theo nhà máy ấy sản xuất cái gì. Thí dụ như nhà máy dập nắp hộp thì chiếc làn sắt đề-xê lúc ấy có hình những vòng tròn liên tiếp lồng vào nhau như biểu tượng Olympic. Làn sắt có thể tha hồ quăng quật nhưng chóng gỉ. Giai đoạn cuối thường chỉ dùng cho việc xếp hàng mua nước mắm. Chai lọ đựng vào đấy vẫn an toàn.

Làn cói và làn mây các bà các chị dùng cho việc đan len. Những cuộn len màu và bộ kim hàng chục đôi để cả trong ấy. Nhớ rất rõ vị trí. Buổi tối mất điện vẫn có thể vừa tán gẫu vừa rút sợi len trong làn ra đan phối màu. Không cần nhìn cũng đan chính xác tuyệt đối. Nghề đan len thủ công lúc ấy phổ cập cho toàn thể chị em thành phố, không phân biệt cán bộ nhà nước hay công nhân và nội trợ. Tuy nhiên, nghề đan làn mây, làn cói không phát triển lắm, lý do chính là độ bền của nó. Một chiếc làn dùng cho việc đan len hàng chục năm chưa hỏng dù người sản xuất không bao giờ muốn như vậy.

Con gái Hà Nội thời chiến trưng diện với chiếc làn móc bằng sợi nylon. Làn thót đáy hình thang ngược nhiều màu sắc vui mắt và được móc hoa văn nổi bật đính kim sa. Trong làn là ví nhựa, lược nhựa, gương con và chiếc mùi xoa kẻ xức nước hoa thơm lừng. Độ sang trọng độc đáo chẳng kém gì các cô nàng bây giờ đeo túi Hermes, LV. Hơn nữa, nó còn như ngầm thông báo cho ta độ khéo tay nữ công gia chánh của chủ nhân. Những cô gái ấy phần lớn không bao giờ thuộc diện ế chồng cho dù thời chiến tranh đàn ông ở hậu phương khá ít.

Hòa bình lập lại, chiếc làn nhựa dần dần thay thế cho tất cả các loại làn đan tay. Thật lạ là giá bán loại làn này đắt hơn và độ bền hơn hẳn nhưng nó chỉ còn dùng vào duy nhất một việc là đi chợ. Người đan len còn chẳng muốn dùng để đựng len nói gì đến chưng diện. Và đến một hôm xấu giời chưa xa, chiếc làn ấy cũng vắng bóng ở thành phố.

Người đi chợ bây giờ phần lớn đi tay không. Cá đã đánh vảy, rau đã nhặt sạch, bí bầu gọt sẵn và gà vặt lông cho tuốt vào túi nylon. Gạo đóng túi, nước mắm đóng chai, thậm chí cà muối cũng đóng lọ nhựa, chẳng cần đến một cái làn nào cả. Nhưng rác rưởi phố phường bây giờ có phần đóng góp rất lớn từ những túi nylon phế thải.

Nhưng cũng có may mắn khi nghề đan làn bây giờ đã tìm được thị trường xuất khẩu. “Xách làn đi chợ” là việc hiếm hoi thế giới đi sau Việt Nam thì phải?

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục