Kế hoạch vận động người dân TPHCM đi xe buýt : Sự chia sẻ của người dân là yếu tố quyết định

Kế hoạch vận động người dân TPHCM đi xe buýt : Sự chia sẻ của người dân là yếu tố quyết định

* Dự kiến: 1-9-2008 sẽ bắt đầu thực hiện cuộc vận động

Kế hoạch vận động người dân TPHCM đi xe buýt : Sự chia sẻ của người dân là yếu tố quyết định ảnh 1
Ngày càng nhiều người dân đi xe buýt. Ảnh: Mai Hải

Diện tích mặt đường tại TPHCM đang bị thu hẹp đáng kể do hàng trăm tuyến đường đã và tiếp tục bị đào xới. Số vụ kẹt xe đang theo chiều hướng tăng, mà nơi nào xảy ra ùn tắc giao thông đều có bóng dáng của “buýt”. Trong bối cảnh đó, Kế hoạch vận động người dân sử dụng xe buýt thay cho phương tiện cá nhân mà Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình UBND TPHCM liệu có khả thi. Chúng tôi đã trao đổi với ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM về vấn đề này.

Không làm sẽ càng khó hơn!

* PV:
Thưa ông, thời điểm này mà trình dự thảo “Kế hoạch vận động dân cư trên địa bàn TPHCM sử dụng phương tiện xe buýt và phương tiện không có động cơ để đi lại” liệu có ổn?

* Ông DƯƠNG HỒNG THANH: Thời gian vừa qua, giá nhiên liệu liên tục tăng cao. Tính từ ngày 1-10-2007 đến nay đã có 3 lần tăng giá nhiên liệu, từ 11,5% đến 36%, làm cho chi phí đi lại tăng cao (chiếm khoảng 13% tổng thu nhập bình quân hàng tháng của người dân TP). Nếu TP vận động được thêm khoảng 1 triệu người dân sử dụng xe buýt (tức khoảng 2 triệu lượt khách/ngày) để đi lại thì chẳng những TP tiết kiệm được hơn 5 tỷ đồng chi phí nhiên liệu mỗi ngày mà còn góp phần đáng kể chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây cũng là biện pháp thiết thực nhất để thực hành tiết kiệm, góp phần kiềm chế lạm phát.

* Theo kế hoạch, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và công nhân là những đối tượng được tập trung vận động đầu tiên. Với các đối tượng này, yêu cầu quan trọng nhất là xe buýt phải đúng giờ. Hiện nay đạt yêu cầu này là điều không dễ?

* Đúng vậy. Việc đáp ứng yêu cầu đơn giản đó trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn, mà việc đào đường để thi công các công trình thoát nước sẽ còn tiếp tục kéo dài đến năm 2010. Nhưng nếu không làm bây giờ thì tình hình giao thông TP trong thời gian tới sẽ càng khó khăn hơn. Vả lại, việc thực hiện kế hoạch này mang tính dài hơi. Ngoài ra, để cuộc vận động có kết quả, thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện việc hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân bằng các hình thức theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề này Sở GTVT sẽ không giải quyết được nếu không có sự chung tay của các sở - ngành chức năng, thậm chí đòi hỏi sự quyết tâm cả hệ thống chính trị. Để xe buýt hoạt động đúng giờ, sở đang nghiên cứu đề xuất UBND TPHCM giải quyết đường ưu tiên cho xe buýt. Cuối cùng sự chia sẻ, ủng hộ của người dân sẽ quyết định sự thành, bại của cuộc vận động.

Thêm 1 triệu người = tiết kiệm khoảng 1.870 tỷ đồng/năm

* Cụ thể, theo ông người dân chia sẻ những gì?

* Ví dụ, khi mặt đường bị thu hẹp do thi công đào đường nên tốc độ xe buýt có bị chậm lại thì người dân chịu khó đi sớm hoặc về muộn hơn một chút. Tuy nhiên, ngược lại khi sử dụng xe buýt, người dân cũng sẽ có nhiều cái lợi như: tiết kiệm tiền, an toàn… Theo tính toán, nếu mỗi ngày TP có thêm khoảng 1 triệu người sử dụng xe buýt để đi lại thay xe gắn máy (tức bằng với năng lực tăng thêm của hệ thống xe buýt hiện tại) thì tổng chi phí người dân tiết kiệm được mỗi năm khoảng 1.870 tỷ đồng.

* Năng lực vận chuyển hiện nay của hệ thống xe buýt TPHCM sẽ đảm bảo được thêm bao nhiêu lượt khách/ngày? Khi nào cuộc vận động này sẽ bắt đầu thực hiện?

* Hệ thống xe buýt của TP hiện nay gồm 3.200 chiếc với 150 luồng tuyến đang vận chuyển khoảng 1 triệu lượt khách/ngày. Nếu huy động tối đa năng lực chuyên chở của lượng xe buýt hiện có có thể vận chuyển thêm được khoảng 2 triệu lượt khách/ngày. Trong trường hợp số hành khách đi xe buýt tăng gấp 3 lần hiện nay vẫn có thể đáp ứng mà không cần tăng thêm đầu xe. Dự kiến, thời gian thực hiện từ ngày 1-9 đến ngày 31-12-2008, áp dụng thí điểm cho các đối tượng có tổ chức. Nội dung thực hiện: sử dụng xe buýt hoặc phương tiện không có động cơ để đi lại ít nhất 1 ngày/tuần. Từ 1-1-2009 trở đi sẽ triển khai mở rộng vận động tất cả các tầng lớp nhân dân TP sử dụng xe buýt và phương tiện không có động cơ để đi lại, ít nhất 1 ngày/ tuần. 

VÂN ANH thực hiện

Từ 6,9 - 9 tỷ đồng tặng vé xe buýt miễn phí

Trong tháng đầu tiên thực hiện thí điểm, UBND TPHCM giao Sở GTVT tìm kiếm, vận động các nguồn hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn TP để phát miễn phí cho mỗi cán bộ, công chức 1 tem vé xe buýt tháng hoặc 1 tập vé xe buýt để sử dụng xe buýt ít nhất 1 ngày/tuần. Dự toán, với khoảng 10.000 cán bộ, công chức của TP, số tiền hỗ trợ ước tính từ 6,9-9 tỷ đồng. Ngoài ra, để đỡ mất nhiều thời gian đi bộ đến trạm xe buýt), UBND TPHCM sẽ giao Sở GTVT phối hợp UBND các quận – huyện tổ chức thêm các điểm giữ xe 2 bánh miễn phí cho những người dân ở xa trạm xe buýt.

Tin cùng chuyên mục