Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ James G.Zumwalt: Các công ty hóa chất Mỹ phải hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Cuốn sách Chân trần, chí thép của James G.Zumwalt, Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ, và là con trai của Đô đốc Elmo Zumwalt, người đã ra lệnh rải chất độc da cam ở Việt Nam, xuất bản tại Việt Nam vào tháng 4 năm nay đã thu hút nhiều sự chú ý của độc giả, bởi những nhận định sâu sắc, cảm xúc chân thực của một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Nhân 50 năm sự kiện quân đội Mỹ rải chất độc da cam tại Việt Nam, tác giả cuốn sách đã có cuộc trao đổi ngắn với PV Báo SGGP bày tỏ những cảm xúc mất mát của ông trong cuộc chiến, những nhận định về con đường đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam và Mỹ.
Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ James G.Zumwalt: Các công ty hóa chất Mỹ phải hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam

Cuốn sách Chân trần, chí thép của James G.Zumwalt, Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ, và là con trai của Đô đốc Elmo Zumwalt, người đã ra lệnh rải chất độc da cam ở Việt Nam, xuất bản tại Việt Nam vào tháng 4 năm nay đã thu hút nhiều sự chú ý của độc giả, bởi những nhận định sâu sắc, cảm xúc chân thực của một cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam. Nhân 50 năm sự kiện quân đội Mỹ rải chất độc da cam tại Việt Nam, tác giả cuốn sách đã có cuộc trao đổi ngắn với PV Báo SGGP bày tỏ những cảm xúc mất mát của ông trong cuộc chiến, những nhận định về con đường đi tìm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam và Mỹ.


* PV: Khi nào thì ông biết được những hậu quả của chất độc da cam mà quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam?

* Ông JAMES G.ZUMWALT:
Tôi thật sự không biết đến hậu quả của chất độc da cam từng phun ở Việt Nam cho đến khi anh trai tôi qua đời vào năm 1983. Anh tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết. Đây là loại ung thư có nguồn gốc từ hệ bạch huyết. Ung thư hệ bạch huyết gồm 2 loại chính: Hodgin và không Hodgin. Anh trai tôi là một trong nhiều trường hợp mắc cả hai loại này. Anh ấy và cha tôi đều tin rằng bệnh ung thư của anh đều liên quan đến việc bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Ông James G.Zumwalt gặp gỡ bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè - nhân vật trong cuốn sách Chân trần, chí thép. Ảnh tư iiệu

Ông James G.Zumwalt gặp gỡ bà mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè - nhân vật trong cuốn sách Chân trần, chí thép. Ảnh tư iiệu

* Cảm giác của ông thế nào khi biết được anh trai mình bị chết vì chất độc da cam?

* Tôi và anh ấy rất thân thiết. Chúng tôi học chung một ngôi trường. Tôi cũng theo từng bước chân anh ấy để tiến vào con đường binh nghiệp. Tôi như mất đi một phần thân thể khi anh ấy qua đời. Kể từ đó, tôi bỗng ngộ ra khi một thảm kịch xảy ra đối với bạn, bạn sẽ phản ứng theo hai hướng. Một hướng là tự vượt qua thảm kịch với một tinh thần vững vàng và làm những điều thật tích cực; còn cách thứ hai là bạn buông xuôi tất cả với một tinh thần bi quan.

Cha tôi đã chọn cách vượt qua tất cả để nghiên cứu về những tác hại của chất độc da cam, ông chiến đấu kiên cường để giành sự trợ giúp cho những cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc này. Còn tôi thì từng có thời gian bị những ám ảnh bởi những thứ bi quan và trở nên căm thù cuộc chiến - cho đến khi tôi trở lại Việt Nam và biết được những hậu quả thảm khốc hơn đang diễn ra ở đây.

* Chính phủ Mỹ có chịu trách nhiệm về những tội ác này không? Và hiện nay họ đã làm gì để giúp những cựu binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam?

* Chính phủ Mỹ không bị cáo buộc bởi một bản án tội ác nào. Theo như Chính phủ Mỹ nói thì vào thời điểm đó khi họ đặt hàng các công ty sản xuất hóa chất, họ biết nó không có hại cho sức khỏe con người. Nhưng sau khi có nhiều đơn kiện của các cựu binh Mỹ, các công ty hóa chất lại hé lộ thông tin Chính phủ Mỹ đã yêu cầu họ trộn 2 loại hóa chất để tạo thành chất độc da cam và họ tuyên bố chỉ làm theo sự chỉ đạo. Dưới đạo luật dân sự của Mỹ, các công ty hóa chất của Mỹ là đối tượng được bảo vệ nhưng vẫn có những sự ngoại lệ.

Trong trường hợp các công ty hóa chất biết việc pha trộn 2 hóa chất để tạo thành một loại độc chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người, họ phải có bổn phận báo cáo cho Chính phủ Mỹ nhưng họ đã không làm như vậy. Họ chỉ hành động theo chỉ thị và kết hợp 2 chất hóa học để tạo thành loại chất cực độc dẫn đến ung thư ở con người. Chỉ sau khi cha tôi mở đầu các bản án tố cáo các công ty hóa chất đã làm hàng loạt cựu binh Mỹ bị phơi nhiễm chất độc da cam, Chính phủ Mỹ mới bắt đầu bồi thường cho những cựu binh này.

* Cảm giác của ông khi quay trở lại Việt Nam và gặp gỡ những nạn nhân chất độc da cam năm 1994?

* Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy cuộc sống của những cựu chiến binh Việt Nam và gia đình của họ. Lúc đó, tôi mới biết rằng hậu quả của cuộc chiến không loại trừ một bên nào.

* Ông nghĩ gì về cuộc chiến giành công lý cho những nạn nhân chất độc da cam?

* Tôi nghĩ cả hai Chính phủ Mỹ và Việt Nam đều đã có những biện pháp giúp những cựu binh bị phơi nhiễm chất độc da cam. Riêng cá nhân tôi thì nghĩ rằng, các công ty hóa chất của Mỹ cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam. Những công ty này cần phải lập một quỹ tài chính để giúp đỡ nhiều cựu binh, hoặc làm sạch những vùng bị phơi nhiễm chất độc da cam.

Tổng thống thứ 16 của nước Mỹ, ông Abraham Linconln, đã từng nhấn mạnh: “Chính phủ cần phải có những trách nhiệm đối với những con người hy sinh thân mình trong chiến tranh, không chỉ cho riêng họ mà còn phải nghĩ đến những người vợ góa và cả những đứa trẻ mồ côi”.

* Ông có dự định đến Việt Nam trong thời gian tới không?

* Tôi có ý định sẽ trở lại Việt Nam vào tháng 10 tới để thực hiện một kế hoạch giáo dục. 

James Zumwalt là con trai của Đô đốc Elmo Russell Zumwalt, Tư lệnh Hải quân Mỹ đặc trách lực lượng duyên hải và đường sông thời chiến tranh Việt Nam. Elmo Russell Zumwalt, sau này là Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, chính là người đã phát động chiến dịch rải chất độc hóa học tại Việt Nam trong suốt một giai đoạn rất dài của cuộc chiến.

Con trai Đô đốc Elmo Russell Zumwalt, Elmo Zumwalt, đã qua đời vì ung thư năm 1989. Cháu nội của ông cũng phát triển không bình thường. Trong hai năm từ năm 1986 - 1987, Đô đốc Elmo Zumwalt đã lãnh đạo một nhóm các nhà khoa học, mở lại hồ sơ các công trình nghiên cứu khoa học trước đây, phát hiện ra những sai lầm của công trình này và đòi Quốc hội Mỹ phải mở cuộc điều trần công khai xung quanh hồ sơ chất độc da cam.

THANH HẰNG thực hiện


Chúng tôi lên tiếng vì bài học da cam ở Việt Nam

Sau hơn 30 năm giữ yên lặng và chịu đựng nhiều bệnh tật, ngày 25-7, Steve House và Philip Steward, 2 trong 3 cựu binh Mỹ đã trở lại Hàn Quốc và xin lỗi trước Quốc hội nước này vì từng chôn chất độc da cam (dioxin) tại một số căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh Gyeongsang năm 1978 và sau đó được chuyển đến khu vực khác. Họ nói: “Chúng tôi lên tiếng vì bài học da cam ở Việt Nam”.

Theo lời thú nhận được công bố hồi cuối tháng 5, ba cựu binh Mỹ Steve House, Philip Steward và Robert Travis cho biết họ và đồng đội được lệnh chôn ít nhất 240 thùng đựng hơn 200 lít chất độc da cam sản xuất năm 1967 để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Sau khi trở về nước nhận nhiệm vụ mới, cả 3 người đều phát bệnh rất nặng.

Trong suốt 35 năm qua, ông S.House (55 tuổi) mang trong người bệnh tiểu đường và một số bệnh lý về thần kinh, 2 trong số 15 bệnh chính thức do chất độc da cam gây ra. Ông P. Steward (69 tuổi), từng là trung úy ở trại lính Peterson giai đoạn 1968 - 1969, không thể đi hoặc đứng lâu vì bị ung thư da, tiểu đường và mắc nhiều chứng bệnh liên quan thần kinh, mắt…

Còn Richard Cramer, hiện đang sống ở bang Illinois, cho biết một bàn chân của ông bị liệt ngay sau khi ông chôn những thùng chất độc da cam ở căn cứ Camp Carroll. Giờ đây các ngón chân, mắt cá chân của ông đều sưng tấy do bệnh viêm khớp mãn tính, nhiễm trùng mắt và trở thành người khiếm thính.

Ông P.Steward nói: “Nếu 42 năm trước tôi biết những hóa chất này nguy hiểm thế nào với tôi, đồng đội, người dân, tôi đã từ chối lệnh phun và cất giấu thuốc”. Chuyến trở lại Hàn Quốc không chỉ là để thực hiện lời xin lỗi muộn màng, S.House và P. Steward còn thúc giục nghiên cứu các địa điểm chôn giấu và những người có thể bị ảnh hưởng bởi loại thuốc diệt cỏ chứa chất độc này.

Ông Steve House nói rằng ông quyết định trở lại Hàn Quốc để làm sáng tỏ vụ việc, nâng cao nhận thức về mối nguy hại của chất độc da cam mà ông từng chôn. Trong 2 ngày 26 và 27-7, hai ông House và Steward cùng một số nghị sĩ Hàn Quốc tới khu vực đóng quân của 2 cựu binh Mỹ để tìm kiếm nơi chôn chất độc da cam. Tuy nhiên, tiết lộ với Eruasiareview, cựu binh Robert Travis còn cho biết sau đó, họ đã chôn đến 20 lần với tổng cộng khoảng 600 thùng chất độc này từ nơi khác chuyển đến.

Ngày 23-6 năm nay, quân đội Mỹ tại Hàn Quốc công khai bản báo cáo điều tra môi trường xung quanh căn cứ Camp Carroll. Đây là báo cáo kết quả điều tra môi trường do quân đội Mỹ thực hiện năm 1992 và một phần báo cáo do Công ty Thương mại Samsung C&T (Hàn Quốc) thực hiện vào năm 2004 theo yêu cầu của Tư lệnh Quân đoàn lục quân số 8 của Mỹ.

Chất độc dioxin và thuốc trừ sâu đã được phát hiện trong mẫu thổ nhưỡng thu được ở khu 41 và khu D, còn nước tại khu vực này thì nhiễm độc chất carcinogenic trichloroethylene (TCE) và perchloroethylene (PCE) với mức độ cao 31 và 33 lần tiêu chuẩn nước dùng thông thường. Báo cáo này ước tính chi phí để loại bỏ đất bị nhiễm độc tại đây lên đến 98,3 triệu USD.

Trước đây còn có 2 cuộc nghiên cứu môi trường do lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USKF) tiến hành (mà không thông báo cho Chính phủ Hàn Quốc biết cho đến khi sự thật được các cựu binh Hàn Quốc và cựu binh Mỹ tiết lộ) đã từng xác định rằng từ trong 2 năm 1979 và 1980, khoảng 40 - 60 tấn đất tại khu vực chôn cất đã được mang đi xử lý tại khu vực ngoại vi.

Một báo cáo khoa học mới đây của Hàn Quốc còn khuyến nghị mỗi năm chính phủ nên tiến hành 1 - 2 lần kiểm tra đất và nguồn nước, đồng thời loại bỏ đất từ bãi chôn lấp bởi vì mức độ nhiễm chloroform (chất gây ung thư và bệnh thần kinh) trong mạch nước ngầm đã tăng gấp 24 lần tiêu chuẩn nước sạch của Hàn Quốc.

Năm 2006, Tòa án Tối cao Seoul phán quyết yêu cầu 2 công ty hóa chất sản xuất ra chất độc da cam là Dow Chemical và Monsanto bồi thường 62 triệu USD cho 6.700 cựu binh Hàn Quốc đầu tiên nộp đơn kiện vào năm 1999. Tuy nhiên, cho đến nay, các công ty này vẫn làm ngơ.

Lần trở lại này, ông S.House nói: “Nếu quân đội Mỹ tiếp tục không có kết luận về việc tích trữ, chôn vùi chất độc da cam ở Hàn Quốc, tôi sẽ thúc giục Quốc hội Mỹ tiến hành điều tra độc lập về vấn đề này”.
 

HẠNH CHI
(Theo Eruasiareview, Folha de Sao Paulo)

Tin cùng chuyên mục