Tháo biển số xe vi phạm: Chưa hẳn hay

Nhằm chấn chỉnh tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, UBND quận 1 TPHCM vừa có văn bản kiến nghị TP cho phép thanh tra xây dựng phối hợp các lực lượng liên quan thí điểm hình thức xử lý vi phạm bằng cách tháo biển số xe ô tô đối với các trường hợp cố tình dừng, đậu trái quy định pháp luật. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, dự kiến sẽ có nhiều vấn đề liên quan và hệ lụy phát sinh.
Tháo biển số xe vi phạm: Chưa hẳn hay

Nhằm chấn chỉnh tình hình vi phạm Luật Giao thông đường bộ, UBND quận 1 TPHCM vừa có văn bản kiến nghị TP cho phép thanh tra xây dựng phối hợp các lực lượng liên quan thí điểm hình thức xử lý vi phạm bằng cách tháo biển số xe ô tô đối với các trường hợp cố tình dừng, đậu trái quy định pháp luật. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, dự kiến sẽ có nhiều vấn đề liên quan và hệ lụy phát sinh.

  • Phải xem xét hoàn cảnh

Trao đổi về hình thức xử lý vi phạm này, một cán bộ lãnh đạo Đội CSGT ở trung tâm TP cho biết: “Tháo biển số ô tô vi phạm là giải pháp chẳng đặng đừng. Chúng tôi có đầy đủ phương tiện, công cụ, con người để xử lý nghiêm xe vi phạm nhưng việc xử lý ở khu vực trung tâm rất khó khăn và phức tạp, do vậy đây sẽ là một biện pháp chế tài khá hữu hiệu”. Quả thật, chúng tôi đã không ít lần chứng kiến CSGT gặp khó khăn khi xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển ô tô. Phần đông người điều khiển bỏ xe lại rồi đi đâu đó, trong khi theo quy định tài xế phải ngồi trên xe khi dừng, đậu xe. Sau hàng giờ chờ đợi nhưng không thấy người vi phạm xuất hiện để lập biên bản, CSGT đưa xe chuyên dụng đến kéo xe vi phạm về. Lúc đó, người vi phạm mới chịu xuất hiện. Đây là lý do UBND quận 1 có kiến nghị như trên. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần xem xét hoàn cảnh và cân nhắc các tình huống phát sinh.

Chị Phan Lâm Phụng Tiên, tài xế một hãng taxi, cho biết: “Vì nhu cầu công việc, chúng tôi phải dừng, đậu xe để đón - trả khách. Đặc thù ở khu phố Tây là ai cũng quyến luyến khi chia tay người thân, bạn bè, thậm chí cả nhân viên khách sạn. Vì thế không ít lần chúng tôi phải dừng, đậu khá lâu. Trong trường hợp như vậy, nếu bị tháo biển số xe thì làm sao chúng tôi tiếp tục hành nghề, chưa kể còn biết bao nhiêu hệ lụy sau đó”. Anh D.N.H., hành nghề lái xe, từng bị tháo biển số xe, kể thêm: “Tôi lái xe cho một giảng viên ở trường đại học tư nhân trên đường Nguyễn Khắc Nhu quận 1. Hôm đó, vừa đưa “ông chủ” đến nơi thì không còn chỗ đậu xe. Tuyến đường này khá vắng vẻ, nên tôi đậu xe dưới lòng đường và đi vào nhà ăn của nhà trường ăn sáng. Vài phút sau, tôi phát hiện xe của mình bị tháo mất biển số. Biết mình có lỗi đậu xe lấn chiếm lòng lề đường, tôi sẵn sàng đóng phạt nhưng vẫn thấy ấm ức. Tôi không muốn phạm lỗi, nhưng tôi biết dừng, đậu xe ở đâu?”.

  • Phiền hà, sai luật

Theo ý kiến của luật sư Phạm Thị Ngọc Thủy (Công ty Luật hợp danh Phước Lý), việc cơ quan chức năng tháo biển số xe đối với các trường hợp cố tình dừng, đậu trái quy định pháp luật là không có cơ sở pháp lý. Trong Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ không có điều khoản nào quy định biện pháp bổ sung là tháo gỡ biển số xe. Còn theo điểm c, khoản 3 điều 19, mục 4 của Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19-9-2012 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 10-11-2012), việc áp dụng biện pháp tháo bỏ biển số chỉ áp dụng trong trường hợp xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng.

Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật) cho rằng đây là biện pháp gây phiền toái và đặt ra các tình huống phát sinh: người bị tháo bảng số xe không biết tìm cơ quan xử lý ở đâu khi đơn vị tháo bảng số không để lại thông tin hoặc để lại nhưng chủ xe làm thất lạc; khi CSGT “thăm hỏi” chủ xe có biển số bị tháo nhưng vẫn lưu thông thì chủ xe có thể nại lý do rằng đang trên đường lái xe về nhà và không biết biển số bị ai lấy trộm; xe bị tháo biển số gây tai nạn, sau đó bỏ chạy thì việc tìm thông tin về chủ xe làm căn cứ xử lý rất khó khăn...

Từ đó, luật sư Nguyễn Thành Công đề nghị có thể áp dụng nhiều biện pháp khác để xử lý các trường hợp vi phạm như khóa bánh xe, dán thông báo bằng loại keo đặc biệt không gây hư hỏng xe nhưng vẫn đảm bảo thông báo không bị thất lạc, phạt nguội. “Ở góc độ ban hành văn bản, điều chỉnh quy phạm xử lý vi phạm giao thông đường bộ hiện tại đã có Nghị định 34/2010/NĐ-CP và sắp tới có thêm Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Nếu muốn bổ sung hình thức xử lý bằng cách tháo biển số xe thì phải được ban hành bằng văn bản cấp tương đương nghị định chứ không thể xin quy chế riêng hay hướng dẫn dưới nghị định được. Nghĩa là chỉ có thể ban hành nghị định bổ sung thì mới đúng quy định pháp luật” - luật sư Nguyễn Thành Công nhấn mạnh.

ĐOÀN HIỆP - ÁI CHÂN

Thanh tra Xây dựng quận 1 xử lý một trường hợp bán hàng rong trên đường Huỳnh Thúc Kháng.Ảnh: T.L.

Thanh tra Xây dựng quận 1 xử lý một trường hợp bán hàng rong trên đường Huỳnh Thúc Kháng.Ảnh: T.L.

Tin cùng chuyên mục