Vừa qua, trên sân khấu sang trọng của Nhà hát lớn Hà Nội, một chương trình nghệ thuật hát Xẩm đặc sắc đã thu hút sự quan tâm và yêu thích của công chúng. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nhạc sĩ - nhà nghiên cứu lý luận Nguyễn Quang Long, người biên tập, thực hiện kịch bản và biểu diễn trong chương trình Xẩm Hà thành. Nhạc sĩ đồng thời đã tham gia nhóm khôi phục lễ giỗ Tổ nghề hát Xẩm.
PV: Lần đầu tiên loại hình nghệ thuật hát Xẩm hiện diện trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội, là một sự vinh danh, sự thừa nhận của giới chuyên môn và công chúng, nhạc sĩ cho biết những nỗ lực của các nghệ sĩ, nhạc sĩ để Xẩm từ đường phố... lên sân khấu?
Nhạc sĩ NGUYỄN QUANG LONG: Trong đêm dành riêng cho nghệ thuật hát Xẩm chúng tôi chỉ chọn giới thiệu 16 làn điệu và bài Xẩm. Bên cạnh những bài Xẩm cổ còn được lưu truyền, chúng tôi đã phục hồi nhiều bài Xẩm xưa kia đã từng rất phổ biến, ngoài ra còn mạnh dạn dựng một vài bài xẩm có lời ca hoàn toàn mới theo đúng nguyên tắc của nghệ thuật hát Xẩm cổ truyền.
Xa hơn nữa, kể từ năm 2005 chúng tôi đã chính thức hội tụ cùng nhau để phục hồi hát Xẩm, đây là tâm nguyện của nhạc sĩ Thao Giang. Rất may chỉ thời gian ngắn sau đó, cùng với sự ra đời của CD Xẩm Hà Nội, loại hình nghệ thuật này đã chính thức hồi sinh. Tuy nhiên, để nó đến được với đông đảo người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ không gì bằng trả nó về đúng môi trường xưa kia đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Với Xẩm Hà Nội thì đó chính là nơi phố cổ có tuyến tàu điện chạy qua, nơi buôn bán sầm uất, nên chúng tôi quyết tâm xin cho bằng được một sân khấu dành cho xẩm ở chợ đêm Hàng Đào, Đồng Xuân. Kể từ đó đến nay chương trình vẫn duy trì được đều đặn vào tối thứ bảy hàng tuần.
Không chỉ có thế, Xẩm còn khuyến khích các bạn trẻ tham gia học đàn, hát miễn phí, cũng từ đó người trẻ hát Xẩm ngày càng nhiều lên.
Để Xẩm được hồi sinh, chúng tôi cũng phải bỏ nhiều công sức và tiền bạc, đồng thời cũng có không ít những khó khăn phải vượt qua, bởi đây là một việc làm hoàn toàn mang tính tự nguyện và cũng không hề có một tổ chức nhà nước hay cá nhân nào ngoài những thành viên trong nhóm tài trợ. Chúng tôi tự thực hiện bằng niềm đam mê và cả tiền bạc của chính mình.
Đưa Xẩm từ đường phố vào Nhà hát lớn Hà Nội là vì muốn “minh oan” cho hát Xẩm. Nhà hát lớn là một nơi sang trọng, trong khi đó nhắc đến hát Xẩm dường như ai cũng nghĩ ngay đó là một loại hình nghệ thuật bình dân, thậm chí còn có những cái nhìn sai lệch... Thực ra, hát Xẩm là một nghệ thuật vô cùng thú vị, nó không chỉ dành cho tầng lớp bình dân mà còn dành cho cả những giới thạo chữ ngay từ thời xa xưa. Bởi thế Xẩm có dòng Xẩm bình dân hát ở nơi đông người qua lại như bến đò, góc chợ với những lời ca dễ nghe, dễ hiểu… nhưng cũng có dòng Xẩm thính phòng, Xẩm nhà tơ hát ở trong nhà với những lời ca phải là những người am hiểu mới “ngấm”… Một điểm nữa, hát Xẩm chứa đựng chất nhân văn sâu sắc xét cả yếu tố nghệ thuật lẫn sứ mệnh của nó.
Trong nghệ thuật hát Xẩm, dù buồn hay vui thì một ca từ cất lên cũng đều phải mang hàm ý giáo dục hay ẩn dụ một điều gì đó rất hay, những điều đó đều hướng con người tới những điều tốt đẹp hơn. Điều đặc biệt thú vị đồng thời cũng là khẳng định chất nghệ thuật cao của hát Xẩm, ở chỗ, tất cả những tính chất vui buồn đều được xẩm thể hiện đầy chất dí dỏm. Xẩm còn mang trong mình sứ mệnh đáng trân trọng, trong hàng trăm năm nó đã là cái nghề để những người kém may mắn tựa vào mà sống. Mà người hát Xẩm xưa họ cũng tự trọng lắm.
-Xẩm đã được đưa sang biểu diễn tại Mỹ cùng nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Công chúng nước ngoài đón nhận và thưởng thức Xẩm như thế nào?
Mai Tuyết Hoa mang hát xẩm giới thiệu tới sinh viên một số trường đại học ở Mỹ, chuyến đi đó rất thành công. Tôi tin rằng các bạn trẻ Mỹ sẽ cảm thấy vô cùng thú vị nhất là khi họ biết được một Việt Nam mà có lẽ họ chỉ biết gắn liền với bom đạn chiến tranh trong quá khứ còn có một nền nghệ thuật vô cùng độc đáo. Đặc biệt là lại có một thứ gọi là âm nhạc đường phố rất riêng của mình, điều tưởng chừng như chỉ dễ có ở những nước phương Tây như châu Âu và Mỹ.
Hiện nay nghệ nhân hát xẩm, nghệ sĩ biểu diễn hát xẩm nhìn chung quá mỏng; những người hiểu về hát xẩm cũng không nhiều. Nhạc sĩ suy nghĩ về vấn đề này thế nào?
Để xẩm thành một cái tên ai cũng biết như ngày hôm nay là một may mắn, hơn nữa trong quá trình phục hồi chúng tôi luôn nghĩ tới việc phải truyền lửa cho các bạn trẻ, khó một điều là kinh phí hết sức hạn hẹp cho nên chúng tôi chưa có quyền lựa chọn, mà trong số bạn trẻ đến với xẩm cũng phải người thực sự say mê mới có thể đủ sức níu giữ chân họ. Trong những năm qua, từ con số 1 duy nhất là nghệ nhân Hà Thị Cầu (90 tuổi), sau đó là lớp chúng tôi chừng khoảng 10 người, đều là các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ và khoảng hơn chục bạn trẻ đang sinh hoạt ở Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Đúng là còn quá mỏng.
-Tương lai của loại hình nghệ thuật này sẽ như thế nào, liệu rằng hưng rồi lại suy...?
Thịnh suy là điều tất yếu của tự nhiên. Dân gian đã sinh ra nó thì cũng chính là mái nhà luôn che chở nó.
Song thịnh suy còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá của chính con người. Để Xẩm nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung còn được lưu giữ và phát huy giá trị trong đời sống hiện đại thì các cơ quan chức năng liên quan cần phải có những chiến lược cụ thể chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào một số nghệ sĩ tâm huyết. Xẩm phải được phát triển ở chính nơi đã sinh ra và nuôi dưỡng nó. Chúng ta cũng có thể học được các nước một điều là đưa nghệ thuật truyền thống vào trong nhà trường để tạo ra một lớp công chúng bền vững cho nghệ thuật truyền thống. Tôi cho rằng đó là cách để “thịnh” được duy trì lâu dài đối với việc bảo tồn những giá trị truyền thống mang tính bền vững. Đồng thời cũng là cách tạo cái nền văn hóa gắn liền với dân tộc cho thế hệ tương lai.
CAO MINH (thực hiện)