Chỉ cần bỏ ra 300.000 - 450.000 đồng, bạn có thể cầm trên tay chứng chỉ tiếng Anh hoặc chứng chỉ Tin học văn phòng từ loại B đến C. Thậm chí, muốn mua cả bằng đại học cũng không khó. Đó là những gì đang diễn ra trong một số đường dây chuyên bán bằng giả ở Đà Nẵng hiện nay.
Muốn bao nhiêu cũng có!
Cùng một đồng nghiệp, tôi gọi điện hẹn đến lần thứ 4 mới có thể tiếp cận được với một đối tượng chuyên bán bằng giả ở khu vực Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. “Anh chị nhớ mang theo tiền đặt cọc để làm tin nhé” - giọng một cô gái ở đầu dây bên kia nhắc nhở chúng tôi trước khi gặp mặt. Theo sự hướng dẫn của cô gái trong điện thoại, chúng tôi chạy xe lòng vòng gần nửa giờ mới tìm được một quán cà phê nằm sâu trong một con đường bên cạnh chợ Hòa Khánh để “giao dịch”.
Chọn một góc khuất, chúng tôi ngồi đợi. Một cô gái khá xinh đi trên chiếc Air Blade mới cứng từ ngoài bước vào với ánh mắt dò xét, cẩn trọng. Bằng ám hiệu giao ước từ trước, cô gái tiến về phía chúng tôi: “Anh chị mới hẹn với em phải không? Em tên S., có mang theo 2 chứng chỉ tiếng Anh và Tin học văn phòng để anh chị xem”. Nói xong, S. rút từ trong túi xách ra 2 chứng chỉ đưa cho chúng tôi, kèm theo lời nói: “Giả mà giống như thiệt đó. Em làm cho bản thân đó. 2 cái này em cũng phải mua với giá 350.000 đồng/chứng chỉ, để nộp hồ sơ xin việc vào một công ty”.
2 chứng chỉ mà S. đưa cho chúng tôi đều ghi đơn vị cấp là Trung tâm Ứng dụng và Phát triển công nghệ tự động hóa (thuộc Hội Tự động hóa Việt Nam), do Phó Giám đốc Đỗ Xuân Sỹ ký; nơi thi là Trung tâm Đào tạo Fotech - Đà Nẵng. Chứng chỉ tiếng Anh ghi trình độ B, loại khá, ngày cấp 6-6-2010; chứng chỉ Tin học văn phòng ghi trình độ B, loại giỏi, cấp ngày 9-9-2010.
“Nếu làm thì anh chị đặt cọc trước 200.000 đồng và photo giấy chứng minh nhân dân kèm theo. Sau 5 ngày, anh chị sẽ nhận được bằng ngay. Lúc đó giao 150.000 đồng còn lại” - giọng của S. rành rọt và dứt khoát. Để chúng tôi yên tâm hơn, S. còn cho biết cô đã làm cho hàng chục trường hợp rồi và chưa có trường hợp nào bị lộ trong việc sử dụng bằng giả để nộp hồ sơ xin việc.
Trong quá trình “giao dịch”, tôi giả vờ đang thất nghiệp và muốn làm đầu mối cung cấp bằng giả trong đường dây của S. thì nhận được ngay câu trả lời: “Anh cứ tìm mối. Giá em “làm” với anh là 350.000 đồng/chứng chỉ B tiếng Anh, còn C thì 400.000 đồng. Tin học văn phòng cũng như vậy. Anh tìm được “mối” nào cứ kê giá chênh lệch để hưởng lời. Số lượng anh yên tâm, bao nhiêu cũng có. Dưới 10 cái chờ 5 ngày, còn 20 hay 30 cái, phải hơn 1 tuần tụi em cung cấp đủ”.
Khi tôi đề nghị được gặp người có trách nhiệm trong “đường dây” để thỏa thuận cho việc “làm ăn” lâu dài, S. nói: “Anh cứ từ từ. Làm vài ba vụ ngon lành thì em sẽ giới thiệu cho gặp mấy ảnh. Em cũng chỉ là tay chân của mấy ảnh thôi, không quyết định được gì đâu”.
Qua giới thiệu của một sinh viên tên T., chúng tôi tiếp tục tiếp cận một đối tượng cũng buôn bán bằng giả ở khu vực Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Lần này, một cô gái tên E. đưa ra giá 450.000 đồng/chứng chỉ B tiếng Anh loại khá. Và không cần chờ đợi lâu, chỉ 3 ngày sau, chúng tôi đã cầm trên tay tấm chứng chỉ B tiếng Anh loại khá. Trong chứng chỉ ghi đầy đủ những thông tin: đơn vị cấp là Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA (thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) do Tổng Giám đốc Vũ Thế Khanh ký ngày 12-9-2011. Nơi thi là Trung tâm Đào tạo Vista - chi nhánh Đà Nẵng.
Sau khi mua được chứng chỉ B tiếng Anh để làm tin, chúng tôi ngỏ ý muốn mua 1 bằng Cử nhân kinh tế cho một người quen thì E. nói ngay: “OK thôi. Muốn bao nhiêu cũng có, quan trọng là tiền. Nói cho anh chị biết, giá “bèo” cũng vài chục chai (triệu đồng) một cái đấy nhé”. Nói rồi, E. xin phép chạy đi giao một chứng chỉ C tiếng Anh cho một người nào đó ở bên quận Sơn Trà…
Lần theo dấu vết
Có trên tay những tấm chứng chỉ mua từ đường dây của S. và E., chúng tôi lần theo dấu vết để hỏi những người ký tên trong những chứng chỉ giả này. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi có được số điện thoại của ông Đỗ Xuân Sỹ (Trung tâm Ứng dụng và Phát triển công nghệ tự động hóa, đóng tại Hà Nội).
Qua điện thoại, ông Sỹ cho rằng không biết gì về việc chứng chỉ tiếng Anh hay Tin học văn phòng giả được ký tên ông. Tuy nhiên, ông Sỹ cũng cho biết thêm: “Trung tâm Đào tạo Fotech - Đà Nẵng do một cá nhân đứng ra thành lập, còn Trung tâm Ứng dụng và Phát triển công nghệ tự động hóa chỉ đứng ra làm tư cách pháp nhân. Nhưng Trung tâm Fotech đã bị đình chỉ hoạt động hơn 1 năm qua do có những sai sót trong hoạt động. Vì vậy, tôi không hề biết việc gì đang xảy ra trong đó cả”.
Ông Sỹ còn cho số điện thoại của một người tên Thoa vì theo ông, người này nắm vấn đề rõ hơn. Thế nhưng qua nhiều lần liên lạc thì máy cứ ò í e (!?).
Đối với Trung tâm Đào tạo Vista - chi nhánh Đà Nẵng (thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng - UIA), chúng tôi nhờ Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng) tìm giúp thì phòng này cho biết không thấy Trung tâm Đào tạo Vista lưu trong hồ sơ quản lý của đơn vị.
Trong những ngày “giao dịch” với các “cò” bằng giả cũng như lần theo dấu vết, chúng tôi được biết hiện có rất nhiều sinh viên thuộc các trường ĐH Sư phạm, Đại học Bách khoa Đà Nẵng làm “cò” cho những đường dây này để hưởng hoa hồng. Đối tượng mua bằng cũng đủ thành phần, từ công chức, giáo viên cho đến những sinh viên mới ra trường cần bằng để nộp hồ sơ xin việc. Những đường dây này không chỉ cung cấp trên địa bàn TP Đà Nẵng mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh khác ở miền Trung.
Qua bài viết này, chúng tôi đề nghị cơ quan công an cần sớm vào cuộc để làm rõ những đường dây làm giả con dấu, chữ ký của một số cơ quan đơn vị hay có sự tiếp tay của các đơn vị này trong việc làm bằng giả bán để trục lợi.
Nguyễn Hùng