(SGGP).- Mấy ngày qua, gió chướng thổi mạnh đã đẩy nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng tại các địa phương ven biển vùng ĐBSCL làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Ông Dương Văn Châu (65 tuổi, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Hiện hàng ngàn hécta lúa đông xuân của người dân ở khu vực này đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông lại bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Việc bơm tưới gặp nhiều khó khăn, thiếu nước ngọt sẽ làm giảm năng suất lúa đông xuân”. Toàn bộ hệ thống cống đập ngăn mặn ở Trà Vinh thời điểm này đã được đóng kín để trữ ngọt phục vụ sản xuất, bên ngoài cống nước đang bị nhiễm mặn với nồng độ cao…
Tại các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Bình Đại… của tỉnh Bến Tre, nước mặn xâm nhập sâu đang gây khó khăn cho cuộc sống, cũng như việc sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Văn Hai, ở xã Phước Long, huyện Giồng Trôm cho biết: “Nhiều diện tích trồng dừa, cây ăn trái đặc sản của người dân vùng này bị nhiễm mặn khoảng 1 tháng qua. Nghiêm trọng hơn là người dân sử dụng nước máy (nước sinh hoạt) cũng bị nhiễm mặn. Nước mặn kéo dài sẽ làm cho dừa bị treo (ra trái ít, nhỏ, chất lượng thấp) trong khi cam, chanh, bưởi, quýt bị vàng lá, rụng bông, tỷ lệ đậu trái thấp….”.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương, nhiều khả năng xảy ra khô hạn trên diện rộng trong những tháng đầu năm 2015, nhất là tình trạng mặn xâm nhập có khả năng xuất hiện sớm và sâu hơn vào nội đồng từ 40-50km và có nơi sâu hơn.
BÌNH ĐẠI