Xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông - thủy sản: Vừa làm vừa... chạy

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nông thủy sản lớn nhất cả nước. Mặc dù các tỉnh thành ĐBSCL đều xác định nông nghiệp là kinh tế chủ lực, tuy nhiên việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho mặt hàng nông thủy sản còn nhiều hạn chế.
Xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông - thủy sản: Vừa làm vừa... chạy

ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nông thủy sản lớn nhất cả nước. Mặc dù các tỉnh thành ĐBSCL đều xác định nông nghiệp là kinh tế chủ lực, tuy nhiên việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho mặt hàng nông thủy sản còn nhiều hạn chế.

  • Giá trị thương hiệu

Bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) cho biết, sau khi nghe thông tin Công ty Việt Hương (Hồng Kông, Trung Quốc) nộp đơn lên cơ quan thẩm quyền Trung Quốc xin đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú Quốc và hình ảnh” cho sản phẩm nước mắm trên lãnh thổ Trung Quốc, hội đã họp khẩn bàn cách đối phó.

Trước mắt, hội sẽ nhờ Sở KH-CN Kiên Giang và các ngành chức năng thẩm định chính xác thông tin trên, nếu đúng thì đề xuất bộ, ngành trung ương can thiệp, bởi vấn đề này liên quan đến yếu tố đối ngoại nên phải cẩn trọng.

Việt Nam xuất khẩu cá tra số 1 thế giới nhưng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu còn rất khó khăn. Ảnh: HUỲNH LỢI

Việt Nam xuất khẩu cá tra số 1 thế giới nhưng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu còn rất khó khăn. Ảnh: HUỲNH LỢI

Bà Tịnh thừa nhận, về phương diện chung, hội rất lo lắng trước thông tin trên, bởi nếu như Công ty Việt Hương đăng ký bảo hộ như vậy sẽ gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng các nước về nguồn gốc nước mắm Phú Quốc của Việt Nam.

Thật ra, trước đây nước mắm Phú Quốc đã từng bị một số doanh nghiệp Thái Lan lạm dụng tên Phú Quốc để kinh doanh. Chẳng phải ngẫu nhiên thương hiệu nước mắm Phú Quốc thường bị các nước “lạm dụng” như vậy. Bởi đây là thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà được nhiều nước trên thế giới biết đến.

Mỗi năm toàn huyện đảo chỉ sản xuất được khoảng 15- 18 triệu lít nước mắm, trong đó 80% tiêu thụ nội địa, 20% xuất khẩu sang châu Âu, châu Á, Hoa Kỳ… Nếu tính riêng trong nước, nước mắm Phú Quốc chỉ đáp ứng khoảng 10%- 15% nhu cầu tiêu thụ. Chính vì nguồn cung rất ít nên nhiều cơ sở, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã lạm dụng tên “Phú Quốc” để kinh doanh.

Đối phó việc này, Hội Nước mắm Phú Quốc đã đăng ký và được cấp Bảo hộ nguồn gốc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý. Hiện 66 doanh nghiệp được cấp chứng nhận và được sử dụng tem thương hiệu nước mắm Phú Quốc. Để bảo vệ thương hiệu nước mắm Phú Quốc trên thị trường quốc tế, Hội Nước mắm Phú Quốc đã nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ nguồn gốc xuất xứ và chỉ dẫn địa lý ở các nước châu Âu, sau đó sẽ tiến hành đăng ký ở nhiều nước khác.

Vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ở Tiền Giang. Trước năm 2006 khi chưa xây dựng thương hiệu, giá vú sữa Lò Rèn chỉ 15.000- 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi có thương hiệu và áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP vào năm 2008, giá trị trái vú sữa nâng lên 40.000 - 50.000 đồng/kg, sản phẩm không để đủ xuất khẩu.

Mới đây, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản sang khảo sát vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn đề nghị mua hàng dài hạn. Cũng ở Tiền Giang, từ khi có thương hiệu xoài cát Hòa Lộc đã thẳng tiến vào thị trường Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Giá xuất khẩu năm 2011 bình quân 40.000 đồng/kg, cao hơn năm 2010 khoảng 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những loại nông sản thực phẩm trên đây chỉ là số ít so với chủng loại hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL.

  • Còn nhiều bất cập

Dù được cảnh báo từ lâu nhưng đến nay việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu mặt hàng nông thủy sản còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do sự nhận thức của người dân, HTX và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, trăn trở: “Từ bài học cà phê Buôn Ma Thuột, chúng tôi đang bất an về chuyện bảo vệ thương hiệu. Thú thật, thời gian qua HTX cùng xã viên nỗ lực thay đổi tập quán sản xuất từ tự phát sang tổ chức bài bản, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là đã quá sức rồi. Bây giờ muốn quảng bá thương hiệu vú sữa Lò Rèn ra thế giới cũng khó lắm vì không có kinh phí và thiếu thông tin thị trường. Chuyện bảo vệ thương hiệu, tránh bị nước ngoài lạm dụng đã vượt ngoài khả năng của HTX”.

Cùng tâm trạng trên, ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm HTX Hòa Lộc (Tiền Giang) nhìn nhận: “Chúng tôi đã bị nhiều khách hàng than phiền vì mua phải xoài cát Hòa Lộc kém chất lượng, không giống như quảng bá. Khi hỏi ra mới biết đây là xoài ở các nơi khác sản xuất, không phải xoài cát Hòa Lộc chính gốc tại Hòa Hưng. Chuyện bị lạm dụng thương hiệu để kinh doanh rất nhiều, ngay tại thị trường trong nước, HTX còn không ngăn được, nói gì đến thị trường quốc tế”.

Theo ông Phan Nhựt Ái, Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long, đến thời điểm này nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ lực phát triển kinh tế. Vì vậy, xây dựng thương hiệu là cần thiết để đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm. Bưởi Năm Roi Bình Minh, cam sành Tam Bình, khoai lang Bình Tân… là những thế mạnh của Vĩnh Long, tuy nhiên việc xây dựng, quảng bá thương hiệu còn yếu. Nguyên nhân là do hoạt động của các HTX chưa mạnh, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu còn thờ ơ.

Ông Ái cho rằng, để phát triển và bảo vệ thương hiệu, doanh nghiệp phải đóng vai trò chính gắn kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế…

Tại ĐBSCL, cá tra, tôm sú, lúa gạo là thế mạnh, nhưng đến nay rất ít doanh nghiệp xuất khẩu ra thế giới bằng chính thương hiệu Việt. Trăn trở về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng, thừa nhận: Cá tra ở ĐBSCL xuất khẩu số 1 trên thế giới về sản lượng, nhưng đáng buồn là chúng ta vẫn dừng lại ở mức gia công, sản xuất theo đơn đặt hàng của nước ngoài. Ngay cả bao bì, nhãn mác, đóng gói… cũng đều mang tên các nhà nhập khẩu, nhà phân phối quốc tế. Do đó, người tiêu dùng thế giới hầu như không biết thương hiệu Việt Nam. Chính việc xuất khẩu nông thủy sản còn phụ thuộc nên giá trị thu về chưa cao, chưa đúng tiềm năng vốn có.

Chính vì vậy, xây dựng thương hiệu đã khó và bảo vệ thương hiệu càng khó hơn. 

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục