Xây dựng chính quyền điện tử: “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”

Hậu Giang là tỉnh được chia tách muộn nhất trong khu vực ĐBSCL. Dù cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, song lãnh đạo tỉnh đã có những cách làm sáng tạo để phục vụ người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

 Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng chính quyền điện tử được xem là khâu đột phá của địa phương. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Đồng chí Lê Tiến Châu
PHÓNG VIÊN: Xin đồng chí cho biết về quá trình chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025?


Đồng chí LÊ TIẾN CHÂU: Căn cứ Kế hoạch số 153-KH/TU ngày 7-11-2019 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hậu Giang đã lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xong đại hội cấp trên cơ sở và đang tiến hành các công việc chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Xây dựng Văn kiện là một trong những khâu rất quan trọng, quyết định thành công của đại hội. Theo đó, Tiểu ban Văn kiện đã xây dựng kế hoạch hoạt động bám sát đề cương, quy trình, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Đặc biệt, Văn kiện phải mang tính kế thừa và phát triển, đảm bảo phù hợp với tình hình và nguồn lực thực tế của địa phương. Việc lấy ý kiến đóng góp Văn kiện cũng là khâu chuẩn bị quan trọng.

Hậu Giang định hướng xây dựng đô thị thông minh tại TP Vị Thanh
Qua tổng hợp, Tỉnh ủy Hậu Giang rất phấn khởi vì nhận được rất nhiều ý kiến sâu, tâm huyết, bằng nhiều hình thức: Góp ý tại hội nghị; bằng văn bản; gọi điện thoại trực tiếp… Chúng tôi rất cầu thị, trân trọng ý kiến của các nhà khoa học, viện, trường, các ban, bộ ngành Trung ương, đặc biệt các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hậu Giang - Cần Thơ, dù tuổi cao nhưng các cô, chú đã dành công sức, trí tuệ, góp nhiều ý kiến quý báu mang tính định hướng cho Hậu Giang trong thời gian tới. Và cho đến thời điểm này, Văn kiện là trí tuệ của toàn Đảng bộ, là ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, điều đó quyết định tính khả thi và hiệu quả khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội.


Thưa đồng chí, Văn kiện tập trung vào các vấn đề mấu chốt nào để tạo sự đột phá cho địa phương?

Dự báo trong những năm tới, đối với tỉnh, tình hình chung vẫn là thuận lợi và khó khăn đan xen. Về thuận lợi, ngoài những thuận lợi cơ bản, tỉnh Hậu Giang cũng có những điểm rất riêng như: Có khoảng 60% dân số trong độ tuổi lao động; tài nguyên nước, đất đai dồi dào, chi phí đầu tư thấp hơn mặt bằng chung của khu vực; nằm vị trí trung tâm của tiểu vùng Tây Sông Hậu… Bên cạnh đó, nhiều tác nhân tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh như: Tình hình biến đổi khí hậu, sạt lở đất, xâm nhập mặn, nước biển dâng; các loại dịch bệnh, nhất là Covid-19... Tình hình đó đặt ra nhiều vấn đề, đòi hỏi phải có những chủ trương đúng đắn, giải pháp đột phá, phù hợp để phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn. Hậu Giang đã chọn mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 là: Phát huy sức mạnh đoàn kết, xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển bền vững, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên công nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững; khuyến khích đầu tư lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khá.

Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ đột phá: Xây dựng hoàn thành và thực hiện nghiêm Quy hoạch tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai chương trình phát triển đô thị, trong đó tập trung đẩy mạnh đầu tư để 3 đô thị trọng điểm của tỉnh (TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ) trở thành 3 cực phát triển, tạo sức lan tỏa cho các địa phương khác trong tỉnh.

Hậu Giang đã và đang có những chuyển biến vượt bậc về ứng dụng chính quyền điện tử. Tỉnh sẽ làm gì để sớm hoàn thiện quy trình này - nhất là trong bối cảnh mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cấp bách thực hiện và đưa vào tiêu chí xếp năng lực cạnh tranh của địa phương?

Tỉnh xác định năm 2020 là năm phát triển đột phá việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh của tỉnh, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp với mục tiêu “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.

Hiện tỉnh đã triển khai một số hệ thống thông tin và bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận như: Cổng dịch vụ công trực tuyến, Ứng dụng di động Hậu Giang, Hệ thống quản lý văn bản… Ngoài ra, Hậu Giang cũng đã triển khai một số hệ thống khác như: Tổng đài cải cách hành chính, Cổng thông tin điện tử, Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến... Trong tháng 10-2020, Hậu Giang sẽ cho vận hành: Dịch vụ công chứng thực bản sao điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Đồng thời, ban hành một số chủ trương như: Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số; Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh... Đây là vấn đề mà tỉnh quyết liệt thực hiện. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh đã phê bình nghiêm khắc một số ngành khi “treo trang wed trắng” với diễn biến và cách thức hướng dẫn người dân phòng chống dịch Covid-19, hay những trường hợp lãnh đạo ngành “bàn lùi” chuyện hỗ trợ người dân thanh toán qua ngân hàng. Quan điểm của tỉnh là làm và từng bước hỗ trợ người dân, bởi việc thanh toán qua ngân hàng là xu hướng tất yếu.

Hậu Giang quyết tâm cải cách hành chính mạnh mẽ, gắn với xây dựng chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội; xây dựng bộ máy chính quyền (từ tỉnh tới cơ sở) tinh gọn, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với phương châm kiến tạo, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất đạo đức, tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh, đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương cấp bách thực hiện chính quyền điện tử và đưa vào tiêu chí xếp năng lực cạnh tranh. Câu chuyện ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh… tất cả phải bắt đầu từ con người. Lộ trình ở đây là qua truyền thông, tập huấn, tuyên truyền quán triệt để cán bộ thấy là cấp thiết. Cán bộ muốn làm tốt, trước hết thủ trưởng phải nêu gương. Người đứng đầu ngành phải biết xử lý công việc thông qua công nghệ, từ đó mới nói, kiểm tra nhắc nhở. Đây sẽ là tiêu chí thi đua, phân loại cán bộ…

Xin cảm ơn đồng chí!

Thành công của hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” và hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp” cho thấy tỉnh Hậu Giang đang từng bước chuyển mình và tận dụng tối đa những kết quả mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang mang lại. Bên cạnh phát triển nông nghiệp theo phương pháp tiên tiến, ứng dụng tốt công nghệ 4.0, Hậu Giang xác định phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chính là một giải pháp căn cơ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Hậu Giang vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đó, phát triển du lịch Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Tỉnh sẽ tập trung phát triển Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trở thành điểm nhấn quan trọng, điển hình cho loại hình du lịch sinh thái tại Hậu Giang. TP Vị Thanh và các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án khai thác loại hình du lịch đường sông trên kinh xáng Xà No, kết hợp với khai thác Công viên Xà No. Đồng thời, sẽ thuê tư vấn, các chuyên gia khảo sát, đánh giá xây dựng đề án phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, tập trung tại vùng khóm Cầu Đúc, các làng nghề truyền thống có thế mạnh của tỉnh

Tin cùng chuyên mục