Các công ty như vậy ngày càng nhiều ở Mỹ, và họ đã thành công bước đầu trong việc loại bỏ dần sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua cách tìm nguồn cung ứng cũng như sản xuất các mặt hàng khó mua ngay trong nước.
Theo Tờ Economic Times, ông Matthew Putman, Giám đốc điều hành Công ty công nghệ khoa học Nanotronics ở New York, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi không bị chậm tiến độ giao hàng so với kế hoạch do không còn dựa vào những con tàu chở nguyên vật liệu đang mắc kẹt tại các cảng”. Công ty của ông Putman - chuyên sản xuất các thành phần của robot siêu nhỏ, giờ đã xây dựng chuỗi cung ứng ngay tại khuôn viên rộng 4.200m2 của công ty.
Nanotronics còn mua thêm nguyên vật liệu tại khu tài chính Manhattan. Nhờ mạnh dạn tìm chuỗi cung ứng thay thế thông qua sản xuất tại địa phương, các doanh nghiệp đã có thể hoàn thành các đơn đặt hàng nhanh chóng cho khách hàng hiện tại và thu hút những khách hàng mới, những người không thể nhận được hàng từ các nhà sản xuất ở nước ngoài.
Bà Joanna Reynolds, Phó Giám đốc Hiệp hội “Made in New York”, một sáng kiến của Trung tâm Phát triển cộng đồng Pratt, cho biết: “Đã có những người liên hệ với chúng tôi để khởi nghiệp. Những người này từng nghĩ rằng họ sẽ tìm nguồn cung ứng ở nước ngoài, nhưng giờ đây họ muốn mua các nguyên vật liệu ngay tại thành phố New York”. Hiệp hội đã có thêm 171 thành viên trong thời gian xảy ra đại dịch.
Các công ty của thành phố New York cũng đã mở rộng quy mô sản xuất nguyên vật liệu trong 18 tháng qua. Khu công nghiệp phức hợp Brooklyn Naval Yark ở New York thuê thêm gần 28.000m2 để sản xuất nguyên vật liệu. Tương tự, khu công nghiệp Industry City ở công viên Sunset cùng thành phố mở rộng thêm hơn 74.000m2 để sản xuất nguyên vật liệu.
Theo Giám đốc điều hành của Industry City, Andrew Kimball, “ngày càng có nhiều công ty muốn mọi thứ, từ nguồn cung nguyên vật liệu, văn phòng, bộ phận thiết kế, sản xuất, thậm chí là khách hàng của họ ngay cạnh kho phân phối”. Và “đó là một mạng lưới thực sự đẹp mà các công ty của chúng tôi đang xây dựng”, bà Joanna Reynolds nói.
Ngoài ra, các công ty địa phương cũng đang dựa vào nhau nhiều hơn. Chẳng hạn như các doanh nghiệp kinh doanh phụ kiện trong khu may mặc sử dụng một công ty gần đó để in nhãn và bao bì.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng đã tạo ra cho các nhà sản xuất địa phương một lợi thế cạnh tranh. Shakil Ahmad, Phó Chủ tịch của Coronet LED, một công ty chiếu sáng có trụ sở tại Totowa, bang New Jersey, hài lòng khi có nhiều lựa chọn khác nhau về nguyên vật liệu. Coronet LED được cung cấp sơn từ khu vực Totowa, bang New Jersey và có nguồn cung thủy tinh cách đó không xa.
Theo bà Laura Fodera, đồng sở hữu và là Giám đốc điều hành của Fodera, một công ty sản xuất đàn guitar ở Industry City, trước đây, đa số nhà sản xuất nhạc cụ ở Mỹ dựa vào nguyên vật liệu ở nước ngoài, vì nếu dùng nguyên vật liệu ở Mỹ sẽ có giá thành rất cao. Nhưng điều này đang thay đổi, họ vẫn chịu giá cao nhưng đi kèm với đó là chất lượng tốt và giao hàng kịp thời.