LTS: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đặc biệt là bà con nông dân. Từ hôm nay, định kỳ hàng tuần vào ngày thứ hai Báo SGGP sẽ có trang Nông thôn mới đề cập đến mọi mặt đời sống nông thôn như kinh tế, xã hội, văn hóa… của các vùng nông thôn ngoại thành và quận ven. Những mô hình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương khác cũng sẽ được đề cập trong chuyên trang này. Chúng tôi rất mong nhận tin, bài cộng tác của quý bạn đọc để nội dung ngày càng phong phú, sinh động, đáp ứng nhu cầu thông tin của bà con nông dân và bạn đọc. |
Vùng nông thôn TPHCM có 5 huyện, gồm 58 xã với khoảng 1,4 triệu dân, bằng số dân của một tỉnh trung bình cả nước. Giá trị sản xuất bình quân khoảng 155 triệu đồng/ha/năm, có thể nói đây là mức thu nhập vào loại cao nhất cả nước trong nông nghiệp. Thực tế cho thấy, sau 2 năm triển khai chương trình Nông thôn mới (NTM), thí điểm tại 6 xã gồm: Tân Thông Hội và Thái Mỹ, huyện Củ Chi; Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; Tân Nhật, huyện Bình Chánh; Nhơn Đức, huyện Nhà Bè; Lý Nhơn, huyện Cần Giờ bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của TPHCM, tổng kinh phí thực hiện đề án giai đoạn 2009 – 2010 trên 2.500 tỷ đồng, trong đó xã Tân Thông Hội cũng là xã điểm trong nhóm dự án 11 xã do trung ương xây dựng thí điểm mô hình NTM trên toàn quốc. Dự án sẽ đầu tư vào quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, văn hóa – giáo dục – xã hội, phát triển sản xuất, vệ sinh môi trường... Ngoài xã Tân Thông Hội (Củ Chi) đại diện vùng ven đô, TP chọn 5 xã: Tân Nhựt (Bình Chánh), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Lý Nhơn (Cần Giờ), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Thái Mỹ (Củ Chi) làm các xã thí điểm xây dựng NTM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ngay khi bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM, xã Tân Thông Hội đã tập trung giải quyết yếu tố đột phá xây dựng NTM bền vững là tìm ra những giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Theo ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã, tính đến đầu tháng 10-2011, xã có 6 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp (trước khi xây dựng đề án chỉ có 2 doanh nghiệp), cung ứng các dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn với 2 doanh nghiệp thành viên đầu tư, Liên hiệp HTX Thương mại TP (Saigon Co-op), Metro, Hợp tác xã Thỏ Việt; doanh nghiệp cá kiểng Saigon Aquarium xuất khẩu 12 triệu cá kiểng/năm, đạt doanh thu 5,5 triệu USD.
Ngoài ra, từ khi xây dựng NTM đến nay, trên địa bàn xã có thêm 105 doanh nghiệp ngoài nông nghiệp như may mặc, giày da, thương mại… đầu tư (lên tổng số 159 doanh nghiệp), thu hút hơn 91,6% lao động trong xã, góp phần chuyển dịch 3.671 lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tổng doanh thu đạt 677,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân trên 28 triệu đồng/người/năm, gấp 1,54 lần khi chưa triển khai đề án (18,6 triệu đồng/người/năm), đạt 104% so với mục tiêu của Ban chỉ đạo NTM trung ương đề xuất và UBND TPHCM phê duyệt là đến cuối năm 2011, phấn đấu đạt 27,5 triệu đồng/người/năm.
Nếu lấy mức quy định của trung ương về hộ nghèo (4,8 triệu đồng/người/năm), thì hiện nay xã không còn hộ nghèo. Còn so với chuẩn nghèo TPHCM (giai đoạn 3 từ 2010 - 2015), đã nâng thu nhập hộ nghèo mức 12 triệu/người/năm được 773 hộ, giảm từ 22% khi xây dựng đề án xuống còn 13% (lấy số tròn). Đến nay, tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng tại xã lên tới 186,6 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp góp 32 tỷ đồng, dân hiến đất (trị giá 49,5 tỷ đồng), tiền mặt và hiện vật 12,7 tỷ đồng (tổng cộng 94,5 tỷ đồng, chiếm hơn 50,7%). Còn lại ngân sách nhà nước cấp.
Đặc trưng NTM của TPHCM là sản xuất dựa trên công nghệ mới, sản phẩm hàng hóa có giá trị, nông dân thu nhập cao, điều kiện sống được cải thiện rõ nét. Có cơ sở hạ tầng từng bước hiện đại, công nghệ sản xuất tiên tiến và môi trường sinh thái bền vững. Phải động viên được nguồn lực nội tại kết hợp với nguồn lực bên ngoài và sự hỗ trợ của nhà nước. Nhìn lại các cuộc vận động lớn đối với nông dân đều dựa trên sự đồng thuận và phải mang lại quyền lợi trực tiếp cho nông dân. Đó chính là động lực của cuộc vận động.
Như vậy động lực xây dựng NTM là sự đồng lòng chung sức của cộng đồng dân cư tại chỗ. Sự hỗ trợ có hiệu quả nhà nước và xã hội. Sự tác động và lan tỏa của công nghiệp và đô thị với phương châm lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, lấy thành thị thúc đẩy nông thôn.
Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước với mục tiêu nâng cao thu nhập và cuộc sống bà con nông dân thông qua việc cơ cấu lại lao động và ngành nghề nông thôn, tổ chức lại sản xuất (theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã), đào tạo lại và dạy nghề cho bà con, dựa trên nền tảng là quy hoạch rõ ràng trên từng khu vực huyện, xã về đất đai, tạo ra sự ổn định lâu dài cho người dân và nhà đầu tư yên tâm sản xuất. Đồng thời huy động tổng lực nguồn lực xã hội, bao gồm nhà nước, người dân tại chỗ, doanh nghiệp trên địa bàn… cùng tham gia.
Với một TP lớn như TPHCM, thu nhập bình quân đầu người trên 56 triệu đồng/người/năm (thống kê năm 2010), con số thu nhập của bà con nông dân ngoại thành thấp hơn khá xa và là một khoảng cách khó có thể nhích gần lại trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày một giảm, manh mún. Nếu không có chủ trương và chính sách kịp thời thì khoảng cách giữa 2 khu vực này ngày càng rộng ra. Thực hiện chương trình NTM hy vọng thu ngắn cách biệt giữa đô thị với nông thôn, giữa người làm nông nghiệp với lĩnh vực khác.
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cho rằng thực tế 2 năm xây dựng NTM ở TPHCM khẳng định sự cần thiết việc xây dựng NTM và khả năng tổ chức thực hiện trên cơ sở chủ trương, chính sách đúng đắn của TP được sự hưởng ứng nhiệt tình, tự giác của bà con. Ý Đảng lòng dân thể hiện rất rõ trong việc xây dựng NTM. Có cơ sở để xác định mục tiêu, nội dung, bước đi, cách làm, huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp tham gia.
Công Phiên