Ngày 16-9, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì buổi hội thảo khoa học góp ý đề án xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương. Tham dự hội thảo có các nhà quản lý các bộ ngành, nhà khoa học các viện trường, các chuyên gia kinh tế.
Qua 9 năm thực hiện định hướng phát triển đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020, kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quốc có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm trên 24,5%, gấp 5,2 lần so với năm 2004. Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước đạt trên 70 triệu đồng. Phú Quốc đã thu hút 206 dự án đầu tư trong các khu quy hoạch với diện tích hơn 9.360ha trong đó có 13 dự án đi vào hoạt động, 11 dự án đang triển khai xây dựng. Phú Quốc có sân bay quốc tế vừa được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, đang chuẩn bị tiếp tục đầu tư giai đoạn 2; có hệ thống giao thông đã được đầu tư trên 10.000 tỷ đồng; có đường điện cáp ngầm nối từ Hà Tiên đến đảo Phú Quốc; có cảng biển quốc tế và nhiều công trình hạng mục khác đang được đầu tư hoàn thiện. Song, tốc độ tăng trưởng vẫn chưa đạt yêu cầu so với tiềm năng và lợi thế của Phú Quốc - nguồn lực đầu tư và các cơ chế chính sách cho Phú Quốc tuy có ưu tiên nhưng còn chậm, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội còn yếu kém.
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định, xây dựng Phú Quốc thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc Trung ương, tạo sự gắn kết và sức lan tỏa trong việc phát triển chung của vùng ĐBSCL cũng như của cả nước, là yêu cầu cấp thiết. Cần xác định xây dựng Phú Quốc là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế; trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và hàng không quốc tế; là trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; bảo tồn đa dạng sinh học rừng và biển của quốc gia và khu vực; có vị trí đặc biệt về an ninh và quốc phòng.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần rà soát, xây dựng các chính sách đặc thù, có tính đột phá, “mạnh mẽ” hơn so với những chính sách thể hiện trong dự thảo đề án. Những chính sách này cần xây dựng trên tổ chức chính quyền năng động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đề án phải có chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là đầu tư xã hội, xác định rõ Nhà nước hay tư nhân đầu tư hạng mục gì. Đồng thời các nội dung mà đề án đề cập phải đảm bảo tính khả thi. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu tổ soạn thảo tiếp tục rà soát việc điều chỉnh quy hoạch có giá trị lâu dài, kiên quyết điều chỉnh các dự án đã cấp phép từ trước nhưng nay không còn phù hợp để tránh lãng phí, tốn kém về sau. Bên cạnh đó quản lý đất đai tại Phú Quốc phải có chương trình tổng thể, tránh đầu cơ.
Theo dự thảo đề án, đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc bao gồm toàn bộ hiện trạng huyện đảo Phú Quốc với tổng diện tích tự nhiên gần 60.000ha và toàn bộ thềm lục địa phía Tây Nam theo công ước quốc tế và hiệp định Việt Nam ký với các nước. Mô hình chính quyền của đặc khu Phú Quốc được tổ chức thành hai cấp là cấp đặc khu và cấp phường, xã. Chính quyền đặc khu là cấp chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND và UBND, có tư cách pháp nhân và ngân sách riêng. Đặc khu Phú Quốc sẽ được hưởng các cơ chế chính sách đặc thù về nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai, thuế, quản lý xuất nhập cảnh… |
CAO PHONG – QUỐC LÊ