Xây dựng “điểm tựa” cho người lao động

Tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trải qua nhiệm kỳ 5 năm đầy khó khăn và thử thách, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, kinh tế thế giới suy thoái; nhiều người lao động (NLĐ) mất việc làm, giảm thu nhập… Tuy nhiên, các cấp công đoàn đã luôn đồng hành, kịp thời triển khai hàng loạt chương trình, giải pháp hỗ trợ để giúp đoàn viên lao động vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao quà hỗ trợ đến công nhân lao động trong Chương trình Tết sum vầy năm 2023 ở tỉnh Hà Nam
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao quà hỗ trợ đến công nhân lao động trong Chương trình Tết sum vầy năm 2023 ở tỉnh Hà Nam

Cùng vượt 5 năm sóng gió

Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, những năm đầu của nhiệm kỳ, các cấp công đoàn triển khai nghị quyết trong điều kiện có nhiều thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng khá. Nhưng từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xung đột vũ trang giữa các quốc gia, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… đã ảnh hưởng toàn diện đến việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, NLĐ ở nước ta.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình kinh tế đã ảnh hưởng đến cán bộ, công chức, NLĐ. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất như thế, Công đoàn Việt Nam đã luôn sát cánh cùng NLĐ, tìm mọi giải pháp hỗ trợ vượt qua sóng gió; liên tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thích ứng linh hoạt với tình hình, nỗ lực hoàn thành 10/14 chỉ tiêu mà nhiệm kỳ 2018-2023 đề ra.

Các cấp công đoàn trên cả nước đã tập trung nguồn lực, kịp thời triển khai nhiều mô hình mới để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên lao động, như “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”. Riêng chương trình “Tết sum vầy”, trong 5 năm, đã có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn được chúc tết, động viên, tặng quà với trên 28.000 tỷ đồng; đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thăm hỏi, hỗ trợ với tổng số tiền hơn 3.600 tỷ đồng.

Chương trình “Mái ấm công đoàn” đã hỗ trợ hơn 14.000 NLĐ xây dựng, sửa chữa nhà ở... Việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca là một trong những hoạt động thiết thực của công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp. Đến hết năm 2021, có hơn 35.000 doanh nghiệp tăng giá trị bữa ăn ca cho NLĐ (với mức từ 15.000 đồng/suất trở lên), đạt 93,55%.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, vai trò của tổ chức công đoàn đã thể hiện rõ khi dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc làm, sức khỏe, đời sống của đoàn viên, NLĐ. Trước tình huống cấp bách và khó khăn chưa từng có, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã triển khai ngay 5 gói hỗ trợ với quy mô lớn, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng, hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.

Đặc biệt, trước tình hình nhiều lao động bị giảm giờ làm, mất việc trong đại dịch, nhất là bối cảnh kinh tế khó khăn từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, công đoàn đã kịp thời ban hành nghị quyết hỗ trợ đoàn viên lao động trong các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023. Đến thời điểm này, gần 82.000 lao động đã được chi hỗ trợ.

Đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, khối lượng công việc và vai trò của tổ chức công đoàn là rất lớn, trong đó có nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. “Tổ chức công đoàn ngày càng có tiếng nói trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của NLĐ, đặc biệt đã thể hiện rõ hiệu quả vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong Hội đồng Tiền lương quốc gia”, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đánh giá.

Trong 5 năm qua, mức lương tối thiểu mà tổ chức công đoàn đề xuất điều chỉnh có tổng mức tăng là 25,34%, và Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chấp nhận ở mức tăng tổng là 23,3%. Mức tăng này cũng đã phần nào cải thiện đời sống của người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh thông tin, trong nhiệm kỳ, tổ chức công đoàn đã ký mới được 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đánh giá, hoạt động của tổ chức công đoàn đã có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Quy mô tổ chức được mở rộng, chất lượng một số mặt công tác được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, có sức lan tỏa, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công đoàn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước.

Cần thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức công đoàn

Mặc dù vậy, tổ chức công đoàn tự đánh giá, việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ có mặt vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng LĐLĐ Việt Nam xác định, mục tiêu trong nhiệm kỳ mới (2023-2028) là phải nỗ lực khắc phục những tồn tại, bất cập; tập trung đầu tư nguồn lực, nâng cao chất lượng hoạt động, làm tốt hơn nữa vai trò đại diện và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; đặc biệt là triển khai toàn diện các hoạt động chăm lo, đảm bảo phúc lợi, duy trì việc làm, nâng cao đời sống của đoàn viên lao động.

Tin cùng chuyên mục