(SGGP).- Ngày 21-10, tại Hà Nội, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia, Bộ VHTT-DL) tổ chức hội thảo khoa học về đàn bầu. PGS-TS-NGƯT Nguyễn Bình Định (Viện trưởng Viện Âm nhạc) khẳng định, tuy chưa có đủ cứ liệu để xác định một cách chính xác đàn bầu có từ bao giờ, nhưng đàn bầu là nhạc cụ bản địa của người Việt, đã có từ lâu đời, ít nhất cũng phải có trước thế kỷ XIX và có rất nhiều các huyền thoại, truyền thuyết gắn bó với cây đàn này.
Nghệ sĩ Việt Nam hướng dẫn du khách nước ngoài chơi đàn bầu. Ảnh: T.L
Chia sẻ về đàn bầu, NSND Thanh Tâm, một người gắn bó nhiều năm với loại nhạc cụ này cho biết, trong dàn nhạc cung đình trước đây không có đàn bầu. Nhưng trong xã hội, nó lại là nhạc cụ thân thuộc với cộng đồng. Đàn bầu trước hết là công cụ mưu sinh của những người hát rong. Đây là cây đàn đơn sơ, dễ làm, dùng để đệm cho hát, đã theo những người hát rong đi khắp các làng quê và cả chốn thị thành. Hầu như không một nhóm hát xẩm nào lại không sử dụng đàn bầu. NSND Thanh Tâm cho rằng cùng với những nỗ lực bảo tồn, tiếp sức cho cây đàn từ phía chính quyền, các tổ chức âm nhạc, các nhà hảo tâm… đã đến lúc chúng ta phải từng bước nhanh chóng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận cây đàn bầu là một giá trị văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cũng nêu rõ, trước sự giao thoa văn hóa ngày càng lớn, trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, Internet, trước vô vàn các trường phái, các dòng âm nhạc - thì âm nhạc cổ truyền nói chung và cây đàn bầu nói riêng đang lâm vào tình thế khó khăn. Khó khăn ấy là tất yếu, nhưng quan trọng là phải tìm được lối ra, để không bị nhấn chìm. Vấn đề quan trọng là làm gì để phát huy cây đàn bầu trong đời sống âm nhạc hiện nay.
MAI AN