Xây dựng môi trường văn hóa báo chí bền vững

Tại phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” vào chiều ngày 15-3 trong khuôn khổ Diễn đàn Báo Chí toàn quốc 2024, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh, việc “xây dựng môi trường báo chí văn hóa và người làm báo văn hóa” đang trở thành yêu cầu không thể thiếu và hết sức cấp thiết đối với các cơ quan báo chí Việt Nam.

Các đại biểu thảo luận về vấn đề Xây dựng môi trường văn hóa báo chí
Các đại biểu thảo luận về vấn đề Xây dựng môi trường văn hóa báo chí

Tham dự phiên thảo luận có nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu diễn giả là những nhà báo uy tín.

Xây dựng nền báo chí tích cực

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng, đời sống báo chí càng biến động, môi trường văn hóa báo chí càng phải được thiết lập, càng phải là bệ đỡ vững vàng để báo chí Việt Nam phát triển lành mạnh, đúng định hướng, chuyên nghiệp, hiện đại nhưng phải thực sự nhân văn.

“Đáng quan ngại nhất là hiện tượng một bộ phận báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế…”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trăn trở.

pho-chu-tich-thuong-truc-hoi-nha-bao-viet-nam-nguyen-duc-loi-phat-bieu-tai-phien-thao-luan-1071.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi phát biểu tại phiên thảo luận

Để chấn chỉnh đạo đức nhà báo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, việc gìn giữ, phát huy văn hóa báo chí phải tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng mạnh mẽ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân phối hợp phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Đồng thời công bố Bộ tiêu chí thực hiện “Cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của người làm báo Việt Nam”, trong đó với 6 điểm dành cho cơ quan báo chí và 6 điểm dành cho người làm báo.

Sau hơn một năm được phát động, phong trào đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những người làm báo. Hiện tượng những người làm báo có hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động tác nghiệp của mình đã được khắc phục, hạn chế. Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi thông tin, trong năm 2023, một trong những điều khiến những người làm báo nặng lòng nhất là việc đã có nhiều trường hợp nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí bị khởi tố với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”. Ngoài ra, vẫn còn không ít nhà báo bất chấp những quy định về đạo đức nghề nghiệp, bất chấp mọi hệ lụy để đưa tin, chụp hình nhiều nhân vật, sự kiện chỉ để câu view; vẫn còn hiện tượng nhiều nhà báo viết sai mà không xin lỗi, không đính chính; viết tin theo kiểu “nghe hơi”; không “mắt thấy, tai nghe”…

Căn nguyên của thực trạng đáng buồn này, theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi là từ nguyên nhân buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí, do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo còn thấp, không đủ sống, áp lực chạy quảng cáo, tài trợ... Nhưng bên cạnh đó, không thể phủ nhận thực tế là bởi thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo.

cac-dai-bieu-tham-du-phien-thao-luan-xay-dung-moi-truong-van-hoa-bao-chi-trong-khuon-kho-dien-dan-bao-chi-toan-quoc-2024-6925.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận “Xây dựng môi trường văn hóa báo chí” trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2024

Để ngăn chặn, khắc phục, theo nhà báo Nguyễn Đức Lợi, ngoài việc cần tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho các nhà báo, yêu cầu các nhà báo phải tuân thủ luật pháp, Luật Báo chí, thực hiện nghiêm 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo thì một “việc cần làm ngay” nữa là tiếp tục đưa phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” đi vào chiều sâu, lan tỏa rộng rãi hơn nữa, từ đó tạo nên những kết quả, hiệu quả thực chất hơn nữa.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cho rằng, tất cả các cơ quan báo chí phải nhận thức rõ rằng, phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” là một phong trào lớn, không mang tính nhất thời, mà phải trở thành một nếp sinh hoạt cần thiết, thường xuyên, lâu dài.

Mỗi nhà báo là một sứ giả của văn hóa

Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa Đoàn Minh Long chia sẻ, tin không đúng, tin sai sự thật không chỉ gây tâm lý hiếu kỳ, tò mò của độc giả mà nó còn làm suy yếu các phương tiện truyền thông. Tin không đúng, tin sai sự thật không chỉ hướng lái sai lệch người đọc, người xem mà nhiều khi còn đánh lừa cả một số phóng viên khiến báo chí cũng trở thành nạn nhân.

Theo nhà báo Đoàn Minh Long, từ tin chưa được kiểm chứng trên Viber, Instagram, Facebook, Zalo... một số nhà báo, phóng viên chủ quan biến thành sản phẩm báo chí. Do đó, việc nâng cao nhận thức về văn hóa, xây dựng và tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, xây dựng cơ quan báo chí và bản lĩnh người làm báo văn hóa là một yêu cầu thiết thực và cấp thiết.

Đồng thời, nếu từng cá nhân cho đến tập thể, nếu cùng đồng lòng thực hiện tốt văn hóa công sở tại các cơ quan báo chí sẽ góp phần cho cơ quan, đơn vị phát triển bền vững, tạo nên một môi trường làm việc trong lành, nâng cao tính hiệu quả, sự nghiêm túc trong công tác thông tin truyền thông báo chí.

Đặt câu hỏi tại sao phải xây dựng văn hóa trong môi trường báo chí? Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật Nguyễn Tiến Thanh cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng gốc rễ của vấn đề là báo chí hiện nay đã thay đổi theo xu hướng của xã hội, thời cuộc. Bản thân sản phẩm báo chí đã có nhiều thay đổi so với trước đây. Vì thế, việc xây dựng môi trường văn hóa báo chí cần tương ứng với thị trường, thời cuộc nhằm phù hợp với thời cuộc và đáp ứng được các nhu cầu thông tin của bạn đọc.

cac-dai-bieu-thao-luan-ve-van-de-xay-dung-moi-truong-van-hoa-bao-chi-1439.jpg
Các đại biểu thảo luận về vấn đề Xây dựng môi trường văn hóa báo chí

Theo Tổng Biên tập Tạp chí Tài nguyên và Môi trường Đào Xuân Hưng, thực trạng hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng người làm báo có xu hướng thương mại hóa báo chí, lợi ích nhóm… để ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí và sự phát triển chung của tòa soạn. Do đó, trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm báo trong phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí được thể hiện qua các tác phẩm báo chí có giá trị. Trong dòng chảy thông tin của xã hội, người làm báo cần xác định lòng tự trọng nghề nghiệp, có sự bồi đắp thường xuyên về văn hóa, đạo đức, chuyên môn để góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại và nhân văn.

Nhà báo Đào Xuân Hưng cho rằng, trách nhiệm của nhà báo trước hết phải đặt lợi của quốc gia, dân tộc lên trên hết để soi xét vào các vấn đề, các hiện tượng, sự việc một cách trung thực, đầy tính nhân văn. Mỗi cơ quan báo chí cần tạo điều kiện để những người làm báo sống với nghề, làm việc tận tâm có trách nhiệm, để xây dựng được uy tín, thương hiệu qua các tác phẩm báo chí mà công chúng đón nhận.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng chia sẻ những góc nhìn về thực trạng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa của người làm báo hiện nay. Các đại biểu mổ xẻ, phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự “phai nhạt”, thậm chí xuống cấp về văn hóa của một số cơ quan báo chí, một bộ phận người làm báo hiện nay.

Các đại biểu cũng thảo luận đưa ra những phương cách, giải pháp nâng cao văn hóa trong các cơ quan báo chí, trong hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, gia tăng hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí. Đưa phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” thực sự đi vào chiều sâu, có hiệu quả, trở thành nhiệm vụ quan trọng các cơ quan báo chí phải thực hiện. Tất cả đều hướng đến mục tiêu xây dựng nền tảng văn hóa trong các cơ quan báo chí và người làm báo, để mỗi tòa soạn thực sự là một địa chỉ văn hóa, mỗi nhà báo là một sứ giả của văn hóa.

Tin cùng chuyên mục