Không sử dụng hóa chất
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng. Năm 2017, cả nước có khoảng 76.000ha sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đến năm 2020, con số này đã tăng hơn 415.000ha. Tuy nhiên, sản phẩm thuận theo tự nhiên, hữu cơ giá thành rất cao, mẫu mã không đẹp và màu sắc kém, nhưng bù lại dinh dưỡng và chất lượng cao hơn.
Hơn 2 năm trồng vườn cam thuận theo tự nhiên tại Nghệ An, chị Trần Thị Tuyến cho hay, khi mới về trồng, nhiều nông dân xung quanh đánh giá vườn cam sẽ không phát triển được. Bởi, các vườn cam khác đều bón phân, cắt cỏ, phun thuốc; còn vườn cam của mình không bón phân, không phun thuốc cũng không cắt cỏ. Chị Trần Thị Tuyến chia sẻ, tầng cỏ là để cho côn trùng sinh sống, thiên địch sẽ tạo cân bằng tự nhiên, không gây hại cho cây cam. Bên cạnh đó, những trái cam rụng không cần dọn mà để tự tiêu hủy, trở thành dinh dưỡng cho cây. Tuy năng suất không cao so với các vườn khác, nhưng bù lại giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Với diện tích sản xuất cà phê hữu cơ rất lớn, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, nhìn nhận, sản phẩm hữu cơ là xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững. Ở Việt Nam, để sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thuận theo tự nhiên còn nhiều hạn chế. Một mặt, nông dân chưa có kỹ thuật sản xuất sản lượng lớn; mặt khác các sản phẩm phân bón, chế phẩm sinh học còn ít, giá thành cao. Tương tự, ông Lê Văn Toàn, quản lý sản xuất rau nhiệt đới trang trại Organica (quận 2, TPHCM), nhận định, mô hình sản xuất hữu cơ chủ yếu nhỏ lẻ, liên kết chuỗi yếu, chi phí và giá thành cao nên không thể mở rộng. Để giảm chi phí, người sản xuất cần làm mô hình liên kết theo kiểu vườn-ao-chuồng để tận dụng các phụ phẩm, tái sản xuất.
Có một thực tế, nhiều cửa hàng gắn mắc sản phẩm hữu cơ để bán với giá cao, nhưng chất lượng còn “mập mờ”. Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T Group, bức xúc, nhiều cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ trưng bày chứng nhận hữu cơ quốc tế tràn lan, rất khó để cơ quan chức năng giám sát. Do đó, Bộ NN-PTNT cần xây dựng chứng nhận hữu cơ Việt Nam có quy chuẩn bằng chất lượng nước ngoài để người dân có thể tham gia sản xuất, xuất khẩu được; đồng thời có biện pháp quản lý các cửa hàng bày bán thực phẩm hữu cơ “tự xưng”.
Hỗ trợ để giảm chi phí
Theo Bộ NN-PTNT, thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên thế giới tăng trưởng ổn định với quy mô ước tính hơn 80 tỷ USD/năm. Người tiêu dùng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU hiện rất ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ không chỉ vì tính ưu việt trong bảo vệ sức khỏe mà còn bởi đóng góp vào bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, tiềm năng xuất khẩu nông sản hữu cơ vẫn còn rất lớn. Thời gian qua, ngành công nghệ sinh học đã phát triển mạnh, ứng dụng rộng rãi để đáp ứng trước yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, chia sẻ, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, kinh nghiệm thực tế và sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp là lợi thế lớn để phát triển nông nghiệp hữu cơ vốn đòi hỏi nhiều nhân công. Để nông nghiệp hữu cơ có thể phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần chọn vùng trồng phù hợp với chủng loại; ưu tiên phát triển đặc sản địa phương.
Thực tế hiện nay, còn nhiều mô hình sản xuất thuận theo tự nhiên không có chứng nhận hữu cơ, khiến tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Cùng với đó, nhiều cửa hàng còn trà trộn sản phẩm không đạt chuẩn với sản phẩm hữu cơ. Thậm chí, có trường hợp đạt chứng nhận hữu cơ nhưng thời gian sau lại sản xuất không đạt chuẩn. Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết, Bộ NN-PTNT đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và xây dựng kế hoạch hành động. Diện tích nông nghiệp hữu cơ đang phát triển mà không thực chất, khó kiểm soát. Công tác đào tạo nhân lực rất nhiều năm chưa có chủ trương tiếp cận được tài liệu nông nghiệp hữu cơ từ các cấp. Chính vì vậy, bộ đang tích cực triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 với mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất canh tác nông nghiệp hữu cơ đạt 1,5-2% tổng diện tích đất canh tác nông nghiệp, đến năm 2030 diện tích canh tác nông nghiệp hữu cơ sẽ đạt 2,5-3% tổng diện tích canh tác nông nghiệp cả nước.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, để nông nghiệp hữu cơ bền vững phải đào tạo nông dân. Nhà nước cần tăng cường giới thiệu, xây dựng hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại, đồng thời hỗ trợ các đơn vị đánh giá mẫu sản phẩm hữu cơ. Ngoài ra, muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy mô lớn, tất yếu phải có dịch vụ cung cấp vật tư cho nông nghiệp hữu cơ chuyên nghiệp, đủ tầm như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thảo mộc, chế phẩm sinh học...