Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh

(SGGP).- Chiều 15-1, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã đến thăm và làm việc với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. 

Báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả công tác từ năm 2013 đến nay, thầy Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, cho biết: Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội luôn coi trọng sự gắn kết giữa đào tạo lý thuyết với thực hành nghề đào tạo kiến thức pháp luật với giáo dục, rèn luyện ý thức chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp theo tiêu chí người cán bộ kiểm sát trong tương lai. Nhà trường đã từng bước xây dựng và tạo ra được một môi trường học tập, sinh hoạt lành mạnh, coi trọng giá trị đạo đức và lòng yêu ngành, yêu nghề của học viên, sinh viên. Hiện nay, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đang triển khai đào tạo sinh viên 2 khóa đại học chính quy với 520 sinh viên liên kết với Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh và đào tạo chương trình cử nhân luật cho 157 sinh viên hệ văn bằng 2. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cần tiếp tục chú trọng công tác tuyển chọn đầu vào, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, qua đó, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, nghiêm minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Chủ tịch nước mong muốn các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức và sinh viên, học viên của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập bảo đảm sinh viên, học viên ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sạch, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Sáng cùng ngày, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị trực tuyến để tổng kết công tác tư pháp năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu công tác năm 2015. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể tại trung ương tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, trong các lĩnh vực công tác của ngành, việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh theo chủ trương của Đảng. Tính đến nay, cả nước có trên 3.400 tổ chức hành nghề với trên 9.300 luật sư (tăng hơn 1.200 luật sư so với thời điểm cuối năm 2013), bảo đảm đúng định hướng phát triển luật sư đến năm 2020. Năm 2015, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tư pháp là phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức thành công đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ 2; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã biểu dương nỗ lực của các cấp ngành, cán bộ lao động toàn ngành tư pháp trong việc tham mưu, giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai thi hành Hiến pháp mới; công tác xây dựng thể chế nói chung, thể chế trong một số lĩnh vực quản lý thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp nói riêng... Những kết quả này đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước về phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ 5 yêu cầu đối với ngành tư pháp. Cụ thể là thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc triển khai thi hành Hiến pháp; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; tích cực chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thi hành kịp thời, hiệu quả các luật được Quốc hội thông qua; tăng cường quản lý nhà nước về kiểm soát thủ tục hành chính, xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan tư pháp, pháp chế các ngành, các cấp, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, từng bước hiện đại.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục