Xây dựng niềm tin trong nhân dân - Bài 4: Xây dựng lòng tin chiến lược

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta đang đứng trước những thách thức nhiều mặt về cả kinh tế, chính trị - xã hội lẫn vấn đề chủ quyền, lãnh thổ… Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về thể chế, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ cho được môi trường hòa bình… để tạo điều kiện đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Xây dựng niềm tin trong nhân dân - Bài 4: Xây dựng lòng tin chiến lược

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta đang đứng trước những thách thức nhiều mặt về cả kinh tế, chính trị - xã hội lẫn vấn đề chủ quyền, lãnh thổ… Thực tế này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về thể chế, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ cho được môi trường hòa bình… để tạo điều kiện đất nước phát triển nhanh và bền vững.

        Phát huy nội lực

Nhờ kịp thời điều chỉnh chủ trương, chính sách trong chỉ đạo, điều hành, nhờ vào sự nỗ lực chung của người dân, doanh nghiệp, của các ngành, các cấp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và có bước phục hồi, lạm phát được kiểm soát, niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được tăng lên, an sinh xã hội được bảo đảm. Bức tranh kinh tế - xã hội được đánh giá là sáng hơn so với 2 - 3 năm trước. Tuy nhiên, cần có chính sách thúc đẩy phát triển, nhất là đối với những ngành, sản phẩm có lợi thế và tính cạnh tranh cao. Các chuyên gia đã có lý khi cho rằng phát triển công nghiệp hỗ trợ nên tập trung cho ngành dệt may, thời trang bởi thị trường lớn và công nghệ không quá phức tạp…

Trong điều kiện khó khăn về vốn cần có sự kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp như ở TPHCM, giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp như mô hình hợp tác vì nông dân của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau, như sự kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp theo hướng VietGAP, sự kết nối doanh nghiệp với thị trường trong thực hiện Chương trình bình ổn thị trường ở TPHCM… Sự kết nối cũng rất cần đối với ngành du lịch để thu hút khách với nhiều sản phẩm hấp dẫn mà giá cả rất cạnh tranh như cách làm du lịch của Thái Lan và một số nước.

Công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm đã đạt được một số kết quả. Những vụ việc tiêu cực mà dư luận xã hội quan tâm được tập trung xử lý nghiêm. Tuy nhiên, kết quả mang lại chưa như mong đợi, vấn đề đang được đòi hỏi có sự quan tâm đặc biệt hơn, quyết liệt hơn.

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã tạo được sự chuyển biến bước đầu. Nhìn chung, cán bộ, đảng viên có tự điều chỉnh trong suy nghĩ, hành động. Và trong thực tế, nhiều người xem đây là một sự cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe. Nhiều quy chế, quy định được triển khai nhằm ngăn ngừa tiêu cực, sai phạm. Các địa phương, trong đó có TPHCM đã tiến hành rà soát, thu hồi dự án kéo dài, xóa quy hoạch không khả thi… Các cấp lãnh đạo đã tăng cường đối thoại, giải quyết có hiệu quả khiếu nại, tố cáo, hạn chế phát sinh mới các khiếu nại vượt cấp. Cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

An ninh quốc phòng được tăng cường. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội được nâng lên theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại và có tầm chiến lược. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Ngăn chặn kịp thời các âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp.

Văn kiện Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương khẳng định: “Kinh tế phải vững chắc, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”. Lòng dân yên chính là sức mạnh đảm bảo chắc chắn nhất cho sự bền vững của đất nước. Thế trận lòng dân trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc luôn được đề cao ngay trong thời bình. Cái gì làm cho dân tin, dân yên là phải ra sức làm. Đó chính là việc tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, là những cải cách theo hướng phục vụ dân, là những chủ trương chính sách hợp lòng dân. Không để dân buồn lòng về nạn tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, về lợi ích nhóm…

Hiến pháp mới được thông qua là nhân tố để nước ta đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển về mọi mặt và chủ động hội nhập quốc tế. Có 89 dự án luật, pháp lệnh được đề xuất phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của Hiến pháp mới. Trong đó có các chính sách pháp luật tạo thuận lợi cho đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp và đầu tư... Qua đây sẽ giảm tình trạng xin - cho, khắc phục đầu tư tràn lan, gây lãng phí. Điều lưu ý trong hoạch định chính sách là ưu tiên cho mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích nhân dân lao động và công bằng xã hội.

Hỗ trợ nông dân qua mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích nhân dân. Ảnh: CAO PHONG

Hỗ trợ nông dân qua mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” là giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững, bảo đảm lợi ích nhân dân. Ảnh: CAO PHONG

        Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân

Trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta cần có môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển. Cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao những chính sách, những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Chỉ số cải thiện môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh của Việt Nam cũng tăng lên. Diễn đàn đối tác năm 2014 giữa Việt Nam và các đối tác như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ thế giới… đều biểu thị niềm tin vào triển vọng của kinh tế nước ta. Các nguồn tài trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tiếp tục được huy động, thị trường được mở rộng và kim ngạch xuất khẩu tăng.

Chúng ta đã và tiếp tục kiên quyết giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước; kiên trì đấu tranh, giải quyết thành công những vấn đề tồn tại với các nước láng giềng trên cơ sở luật pháp quốc tế, từng bước làm cho đường biên giới chung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác.

Các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được xác lập giữa Việt Nam và một số nước, nhất là các nước lớn, tạo ra bước chuyển mới về chất trong hoạt động đối ngoại. Hiện nay, chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với hơn 20 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, các nước ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Chúng ta tiếp tục khẳng định vai trò thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu. Lần đầu tiên, Việt Nam được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, Ủy ban Di sản UNESCO, Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế…

Có được những kết quả nói trên là do đường lối đối ngoại đúng đắn, các hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ và toàn diện, sôi động và hiệu quả. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Chúng ta đã kiên trì nguyên tắc không tham gia các liên minh quân sự, không cho phép nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không đi với nước này để chống nước khác.

Chúng ta đã tiến hành ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao quốc phòng an ninh, kết hợp hoạt động đối ngoại của Đảng với hoạt động ngoại giao nhân dân... Với truyền thống hòa hiếu, chân thành, tình nghĩa, thủy chung, luôn tôn trọng đạo lý, có người cho rằng khó có một nước lớn nào được thế giới mến yêu như Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước những thách thức về nhiều mặt trong quá trình phát triển, thách thức về kinh tế, chính trị - xã hội, cả về chủ quyền, lãnh thổ… Những vấn đề về biên giới, lãnh thổ, tranh chấp biển Đông, chúng ta kiên quyết, kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng ta sẽ tiếp tục khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sẽ đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại trên các mặt và xây dựng lòng tin chiến lược.

Thông điệp của lãnh đạo nước ta về xây dựng lòng tin chiến lược tại Đối thoại Shangri-la đã gây tiếng vang trong cộng đồng quốc tế. Qua đây, chúng ta mong muốn cùng nhau xây dựng lòng tin, bởi lòng tin là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác và ngăn ngừa nguy cơ xung đột, không có lòng tin sẽ không có hợp tác tốt.

Trong quá trình hội nhập, sức mạnh tự thân vẫn là quyết định, nội lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Chúng ta sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. “Góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” là sự khẳng định và đây cũng chính là nội dung được “bổ sung, phát triển” của Hiến pháp mới của nước ta.

Vị thế và lòng tin được nâng lên trên cơ sở kinh tế giữ vững và phát triển, quốc phòng mạnh, lòng dân yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đại đoàn kết thống nhất. Với tinh thần và khát vọng lớn lao ấy, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới nhất định sẽ thành công.

PHẠM PHƯƠNG THẢO

Xây dựng niềm tin trong nhân dân - Bài 3: Biết sửa mình

Tin cùng chuyên mục