Là một trong những chuyên đề giám sát hiếm hoi xuyên qua hai nhiệm kỳ Quốc hội (khóa XIII và khóa XIV), hiệu quả thực hiện chương trình nông thôn mới cũng như những kinh nghiệm rút ra nhằm thúc đẩy chương trình “về đích” đang và sẽ còn là vấn đề được công luận đặc biệt chú ý. Nhất là trong bối cảnh đã xuất hiện những lời cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng chạy đua để “báo công”, bất chấp nợ đọng, bất chấp việc huy động quá sức dân. “Nếu cán bộ có thành tích, người dân có công trình thì tốt quá, miễn là công trình ấy phát huy hiệu quả trên thực tế, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, đem lại tăng trưởng bền vững. Tiếc là ở nhiều nơi, nhiều chỗ lại không phải như vậy”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ trăn trở.
Đi đến rất nhiều địa phương, trước câu hỏi của đoàn giám sát về tình hình nợ đọng do đầu tư phát triển nông thôn mới quá lớn so với nguồn vốn có thể thu xếp, câu trả lời luôn luôn là “chúng tôi sẽ có cách”. Nhưng gạn hỏi cách cụ thể thế nào thì tựu trung vẫn là chờ phân bổ ngân sách theo kiểu “bắc nước chờ gạo”, hoặc bán đất. Tuy thế, sẽ là phiến diện khi chỉ nêu ra và phê phán “bệnh thành tích” ở một số địa phương mà quên mất những cách làm hay. Tại Đồng Nai, lãnh đạo địa phương đã có một cách làm dũng cảm: lựa chọn những xã, huyện khó khăn nhất để thí điểm xây dựng nông thôn mới, thay vì lựa chọn những địa bàn có sẵn những điều kiện thuận lợi (thậm chí đã đạt được hàng chục tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới ngay từ trước khi tiến hành chương trình). Cách đi “ngược gió” này tuy gian nan vất vả, nhưng lại rút ra được nhiều kinh nghiệm tốt để nhân rộng mô hình trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Phúc cho biết đã đến thăm một hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng cao tuổi làm kinh tế vườn ở Hà Tĩnh. “Con cái đều đi làm ăn xa, nhưng hai ông bà làm kinh tế vườn rất giỏi; họ đã áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Vườn hoa và cây ăn quả của gia đình hai ông bà cho thu hoạch mỗi năm 300 triệu đồng, rất đáng để xem xét, nhân rộng”. Cần nói thêm rằng, ở trường hợp này, việc “xã hội hóa” đầu tư cho xây dựng, phát triển nông thôn mới cũng đã rất thành công: Vốn liếng của những thành viên trong gia đình gửi về đã được cha mẹ họ đầu tư để trang bị hệ thống tưới nước khoa học, tiết kiệm được công sức và tài nguyên.
“Xã hội hóa” xây dựng nông thôn mới cần được làm thực chất và bền vững hơn. Không thể “bắt” những người dân còn đang rất khó khăn đóng góp quá nhiều; cũng như không thể yêu cầu các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn làm từ thiện một cách miễn cưỡng. Việc doanh nghiệp đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội chỉ nên áp dụng đối với những địa bàn thuộc diện khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, những địa bàn từng là căn cứ địa cách mạng... Ở những nơi còn lại, cần tìm ra những địa chỉ đầu tư vốn thích hợp (như đầu tư vào đường giao thông, trung tâm thương mại, xây dựng nhà xưởng, cửa hàng...) để doanh nghiệp có cơ hội thu hồi vốn và tìm kiếm lợi nhuận hợp lý. Đặc biệt, cần ưu tiên cho những doanh nghiệp phát triển sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủ công; giúp bà con thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Mỗi nơi có một đặc điểm riêng, nên cách làm cũng không thể rập khuôn.
ANH THƯ