Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Chiều 22-1, tại Trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 2014, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, định hướng về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên

Chiều 22-1, tại Trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 2014, nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, định hướng về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có báo cáo đánh giá kết quả khá toàn diện các mặt đạt được và hạn chế trong những năm qua; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2015; hình thành, sơ bộ kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới 5 năm tới 2016 - 2020.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị chiều 22-1.

Đồng tình với báo cáo và ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là vấn đề chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nông dân cả về vật chất lẫn tinh thần luôn là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Quán triệt nghị quyết trung ương, Chính phủ đã đưa ra Chương trình xây dựng nông thôn mới; trong đó quy định rõ 19 các tiêu chí và được thể hiện trên tất cả các mặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cụ thể như tiêu chí về: phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng kết cấu - hạ tầng, kinh tế - xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, việc làm, giảm nghèo, môi trường, thu nhập đời sống của người nông dân, bảo đảm an ninh, trật tự, an ninh - quốc phòng... trên địa bàn nông thôn. Hay tiêu chí về xây dựng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quyền của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đảng trong sạch vững mạnh trên địa bàn nông thôn.

Cho nên, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới chính là nội dung cụ thể trong việc tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn nông thôn. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng chính là nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra những hạn chế trong triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới như: Vấn đề xây dựng nông thôn mới hiện có nơi, có lúc còn quan tâm, chỉ đạo thiếu sâu sát, chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ; có nơi trách nhiệm chưa cao; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu; có nơi còn ỉ lại chờ ngân sách trung ương. Kết quả đạt được trong phong trào xây dựng nông thôn mới đến nay chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Một số cơ chế chính sách đã ban hành nhưng đi vào cuộc sống còn hạn chế, chưa sát.

Đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị: Lãnh đạo các bộ, địa phương cần coi Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên; có kế hoạch chỉ đạo, thực hiện, kiểm tra, đôn đốc kịp thời. Cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải nhận thức sâu sắc nghị quyết của Trung ương về xây dựng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới; phải nhân rộng điển hình, mô hình tốt, đồng thời thay thế những cán bộ làm chưa tốt. Các địa phương cần đưa Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 vào chương trình nghị sự của Đại hội Đảng các cấp. Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần tiến hành rà soát lại các cơ chế chính sách đã ban hành; tăng thêm nguồn lực đầu tư từ trung ương, địa phương và xã hội hóa công tác xây dựng nông thôn mới; rà soát, bổ sung tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

TTXVN

Tin cùng chuyên mục