Rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị còn khoảng 1,2 lần; không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; gần như 100% hộ dân nông thôn đều sử dụng nước sạch. Đó là những nét cơ bản về việc xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2015 của TPHCM.
Quan trọng nhất là phát triển sản xuất
Tại TPHCM, sau khi gần như hoàn thành việc xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015, được Thủ tướng Chính phủ công nhận 3 huyện Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè đạt đủ 19/19 tiêu chí về NTM từ năm 2015, 2 huyện còn lại là Cần Giờ và Bình Chánh đã xây dựng đề án khắc phục các vấn đề còn tồn tại theo khuyến nghị của đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương và đoàn công tác phản biện liên bộ, ngành. TP đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xem xét, tiến hành thẩm tra hồ sơ và khảo sát thực tế. Qua việc xây dựng NTM tại 56 xã thuộc 5 huyện, sản xuất nông nghiệp TPHCM đã chuyển dịch đúng hướng với những mô hình về các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, theo hướng nông nghiệp đô thị như bò sữa, rau an toàn, hoa lan - cây kiểng, cá cảnh… Sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các hội đoàn thể, nhất là Hội Nông dân, đã góp phần duy trì và phát triển ngành nghề nông thôn, ngành nghề phi nông nghiệp, giải quyết lao động nông nhàn ở nông thôn. Sự chủ động của các cơ sở đào tạo nghề trong việc khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với thị trường lao động đã giúp ngay sau khi được đào tạo, người học nghề có thể kiếm được việc làm hoặc có thể vận dụng kiến thức để phát triển nghề ngay trên địa bàn. Qua khảo sát tại các xã, đa số người dân cho rằng cần tiếp tục tập huấn kỹ thuật với những giống cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao; cần cung cấp thông tin thị trường, giá cả nông sản và tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.
Trồng lan cắt cành là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả mà nông thôn TPHCM hướng đến
Nhờ chính sách khuyến khích phù hợp, TPHCM đã thu hút được nhiều nguồn lực đóng góp trong việc xây dựng NTM nói chung và tổ chức sản xuất nói riêng. Nhờ đó, 1 đồng vốn ngân sách đã huy động được 28 đồng vốn trong xã hội để đầu tư phát triển sản xuất theo các chương trình và mục tiêu phát triển nông nghiệp của TPHCM. Trong đó, huy động từ tín dụng ngân hàng là 17 đồng, từ người dân và doanh nghiệp tự có là 11 đồng. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn bình quân là 41,7 triệu đồng/người/năm. TPHCM đang chuyển qua giai đoạn 2, là giai đoạn nâng chất và theo tính đặc thù của vùng nông thôn TP, với hầu hết tiêu chí đều cao hơn trung bình cả nước.
Trong khi giá trị bình quân 1ha đất nông nghiệp sản xuất lên đến 410 triệu đồng, thuộc vào tốp cao nhất cả nước, thì vẫn còn khoảng 3.000ha trồng lúa không hiệu quả, hay một bộ phận người dân Cần Giờ làm quần quật mà giá bán muối còn thấp hơn chi phí bỏ ra. Vì vậy, tại hội nghị xây dựng NTM năm 2017 và phát động “TP chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016-2020, đồng chí Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Thành ủy về chương trình xây dựng NTM, nhấn mạnh vấn đề lớn nhất ở nông thôn 5 huyện vẫn là chuyện phát triển sản xuất nhằm nâng cao thu nhập. Trong đó, quan tâm nhất là tạo điều kiện cho người nông dân chuyển đổi theo hướng cây, con giá trị cao. Tuy nhiên, không dừng lại ở đây mà còn phải phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tổ chức và phát triển sản xuất theo hướng liên kết các nông hộ vào các tổ hợp tác hay hợp tác xã, gắn kết với doanh nghiệp, dựa trên lợi thế sản xuất, thị trường gần. Hướng dẫn nông dân lựa chọn và ứng dụng công nghệ cao để chuyển đổi hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh, hướng tới sản xuất sạch, nông nghiệp hữu cơ; hạn chế dần việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.
Chuyện rác và nước thải
Nếu như nông thôn TPHCM ngày càng khá lên nhờ phát triển sản xuất thì môi trường ở khu vực ngoại thành lại là vấn đề nóng, nhất là khi chuyển qua giai đoạn nâng chất các tiêu chí. Đó là chuyện rác và việc thu gom rác thải nhà dân. Bí thư Huyện ủy huyện Củ Chi Trương Văn Thống bức xúc cho biết, việc thu gom rác ở các hộ đều có đường dây dân lập thực hiện. Khi người dân phàn nàn về việc chậm trễ hay thu gom nhếch nhác liền bị đe dọa; như từ 26 tháng Chạp đến mùng 6 Tết vừa qua, người dân khổ sở vì chuyện rác bị ngưng thu gom. Khi chính quyền địa phương vận động các đoàn thể tham gia giải quyết thì bị nhiều người trong các đường dây này đón đường làm khó dễ, hăm dọa. Vì vậy, Ban Thường vụ Huyện ủy phải vào cuộc, quyết chấn chỉnh lại, không thể để các đường dây thu gom này thách thức cả chính quyền. Đồng thời, vận động người dân chọn lựa đơn vị thu gom làm ăn nghiêm túc, nên việc này đang đi dần vào nề nếp. Ô nhiễm môi trường còn nóng ở câu chuyện rác giữa dãy phân cách trên quốc lộ 22, do phân cấp quản lý và chỉ làm vệ sinh 1 - 2 lần/tháng khiến bộ mặt cửa ngõ TP nhếch nhác. Huyện Củ Chi đề nghị TP nên chuyển về cho quận, huyện quản lý để có thể chủ động dọn dẹp cho con đường huyết mạch trở nên sạch đẹp hơn. Ngoài ra, chuyện rác trên kênh rạch cũng gây bức xúc ở việc ai thu gom hay quản lý.
Theo Bí thư Huyện ủy Bình Chánh Nguyễn Văn Phụng, việc thu gom rác ở Bình Chánh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Có người cho biết, việc chuyển đổi đường dây thu gom từ chủ này qua chủ khác phải sang tay vài trăm triệu đồng. Nguyên nhân khiến Bình Chánh bị chậm trong việc đạt tiêu chí cũng vì vấn đề môi trường. Toàn huyện có 630.000 dân, chủ yếu tăng cơ học, riêng 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B chiếm 70% dân số huyện, lại có 160 vựa thu gom ve chai nên việc đảm bảo môi trường không dễ dàng. Vấn đề môi trường trở thành là tiêu chí yếu nhất khi xem xét. Hiện nay, việc thu gom rác đã dần đi vào nề nếp khi chính quyền xã và Hội Phụ nữ trực tiếp đứng ra tổ chức việc này. Phó Bí Thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phải có mô hình xử lý nước thải ở nhà dân nông thôn cũng như tổ chức việc thu gom rác, không thể khoán trắng cho các đường dây thu gom rác dân lập.
| |
CÔNG PHIÊN