(SGGP).- Sáng 4-6, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể, thảo luận tại hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH tại tổ (ngày 28-5) về Đề án do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày, đa số ý kiến tán thành chủ trương, sự cần thiết, phạm vi và nhiều nội dung được nêu trong Đề án và dự thảo Nghị quyết về vấn đề này. Trong số các quy định cụ thể, ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị QH quyết định chủ trương xây dựng quy trình cụ thể để thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Trong kỳ họp tới, UBTVQH sẽ trình QH thông qua Quy chế về bỏ phiếu tín nhiệm để thực hiện.
Liên quan đến hoạt động xây dựng pháp luật, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) đồng tình quy định trong Đề án sự phối hợp chặt chẽ, đồng hành giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh. Tuy nhiên, cần có quy trình hợp lý để đảm bảo tính độc lập, phản biện khi thẩm tra. Nhiều ĐB khác đồng tình với quan điểm này. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) nhận định: “Phối hợp như vậy dễ đi đến thống nhất, tuy nhiên sự thống nhất ấy chưa phải thước đo chất lượng. Làm luật không thể thiếu sự tranh luận, phản biện”. Hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, ĐB yêu cầu việc tổng hợp các ý kiến ĐBQH phải được tiến hành thật sự khách quan, khoa học, không được bỏ sót một ý kiến nào, bởi “thiểu số chưa chắc đã là không đúng”.
Không ngoài dự kiến, trong lĩnh vực giám sát, nội dung bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều ĐBQH. Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đi sâu phân tích vì sao quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn đã có hơn 10 năm, song việc bỏ phiếu chưa một lần được thực hiện trên thực tế. Từ đó, ĐB Nga yêu cầu phải quy định rõ dựa vào những tiêu chí nào để kiến nghị bỏ phiếu; sửa đổi quy định phải có 20% số ĐBQH đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu (vì điều này không khả thi). “Nên có hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường khi xảy ra vấn đề (thực chất là bỏ phiếu bất tín nhiệm). Chỉ nên áp dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh từ Bộ trưởng và tương đương trở lên; đồng thời chỉ bắt đầu bỏ phiếu từ cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ, nhất là đối với những người từ lĩnh vực khác sang nắm cương vị mới”, ĐB Nga kiến nghị. Ý kiến của ĐB Nga về vấn đề này nhận được sự đồng tình của nhiều ĐBQH.
Về quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, các ĐB Vũ Hải Hà (Đồng Nai), Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Trần Du Lịch (TPHCM)… có cùng yêu cầu nâng cao tính thực chất trong việc quyết định ngân sách của QH. ĐB Bùi Sỹ Lợi nhận định: “Mọi chính sách phải đi liền với dự trù về ngân sách mới khả thi”. ĐB Trần Du Lịch: “Quyết ngân sách như hiện nay thì QH gần như chỉ hợp thức hóa những việc đã làm xong. Ngay từ kỳ họp giữa năm, QH cần phải quyết định lĩnh vực nào, ngành nào, dự án trọng điểm nào cần được ưu tiên phân bổ ngân sách trong năm tài khóa sau, từ đó Chính phủ thực hiện phân bổ và QH giám sát, kiểm tra”.
Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại tổ, cho ý kiến dự án Luật Xuất bản (sửa đổi). Hoạt động liên kết xuất bản hiện nay khá phổ biến, trong khi có tới 70% - 90% các xuất bản phẩm có vi phạm là sản phẩm của liên kết xuất bản. ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) cũng đề nghị có cơ chế phát triển văn hóa phẩm nhằm nâng cao văn hóa đọc cho xã hội và đặc biệt là lớp trẻ, đơn cử như ưu tiên xuất bản các loại sách về đạo đức, lối sống. ĐB cho rằng, dự luật không nên hạn chế việc các tổ chức chính trị xã hội ở các địa phương được thành lập nhà xuất bản. Cùng nhận xét cho rằng, việc cho ra đời các xuất bản phẩm điện tử hiện nay đang trở thành một trào lưu mạnh mẽ, ĐB Nguyễn Phước Lộc, Võ Thị Dung (TPHCM) nhận định, vấn đề này cần được luật hóa một cách cụ thể, chi tiết. “Dự luật chỉ có 3 điều về xuất bản phẩm điện tử, trong đó có 2 điều lại giao Chính phủ quy định, trong khi thị trường này đang phát triển rất sôi động”, ĐB Võ Thị Dung bình luận.
| |
Anh Thư