Xây dựng sàn giao dịch heo hơi tại TPHCM

Ngày 7-3, Sở Công thương TPHCM và Tổng Lãnh sự Anh, Cục Thực thi quy định quốc tế (thuộc Bộ Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Vương quốc Anh) đã ký ghi nhớ hợp tác 3 bên về việc hỗ trợ xây dựng sàn giao dịch heo hơi trên địa bàn TPHCM.
Thịt heo được giết mổ công nghiệp sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Thịt heo được giết mổ công nghiệp sẽ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo kế hoạch, từ ngày 31-3, TPHCM bắt đầu triển khai xây dựng sàn giao dịch heo hơi, dự kiến năm 2021 đưa vào hoạt động chính thức, làm tiền đề để TPHCM tiếp tục triển khai sàn giao dịch đối với các mặt hàng nông sản khác. 

Ứng dụng công nghệ thông tin  

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết mục đích của sự hợp tác nhằm cung cấp, hỗ trợ cho Sở Công thương về kỹ thuật, cung cấp thông tin, kinh nghiệm pháp lý, chuyên gia… trong việc nghiên cứu, khảo sát thực hiện xây dựng mô hình và thí điểm triển khai đưa vào hoạt động sàn giao dịch heo hơi, cũng như tìm hiểu những quy định. Trước đó, ngày 17-12-2018, UBND TPHCM đã chấp thuận về chủ trương cho phép Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu xây dựng đề án sàn giao dịch heo hơi trên địa bàn TP. 

Sàn giao dịch sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh mặt hàng heo và thịt heo thông qua thay đổi mô hình, hoạt động kinh doanh cũ; xây dựng giải pháp, phương thức kinh doanh mới văn minh, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới; qua đó đáp ứng yêu cầu đổi mới, tái cơ cấu hoạt động sản xuất, chăn nuôi, nâng cao chất lượng hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp quản lý hiện đại với ngành hàng thịt heo, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác quản lý nhà nước, kiểm soát dịch bệnh, quản lý an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và thực hiện giảm thiểu các thủ tục hành chính, các quy định kiểm dịch, tiết kiệm thời gian, nhân lực, chi phí quản lý. 

Đề án góp phần hiệu quả, thiết thực cho việc thực hiện nhiệm vụ triển khai quy hoạch chăn nuôi hiện đại, quy mô công nghiệp; hạn chế, giảm dần các hoạt động chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ và xây dựng các cơ sở giết mổ công nghiệp gia súc, gia cầm của TP; bổ sung giải pháp kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng lây lan dịch bệnh trên gia súc, làm tiền đề mở rộng ra các sản phẩm nông sản khác; hướng tới hình thành phương thức kinh doanh mới văn minh, hiện đại cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. 

Khi đưa sàn giao dịch heo hơi vào hoạt động sẽ giúp người chăn nuôi loại bỏ sự phụ thuộc vào khâu trung gian, tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng; đồng thời các doanh nghiệp (DN) và cơ sở chăn nuôi sẽ kết nối trực tiếp, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistics, bắt và vận chuyển lợn. Sàn cũng sẽ có đơn vị độc lập kiểm tra tỷ lệ nạc, mỡ, độ pH trong thịt để làm cơ sở cho các bên quyết định giá bán, giá mua.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết thêm, việc xây dựng sàn giao dịch heo hơi đã có được một số thuận lợi ban đầu từ nền móng của Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo mà sở đã thực hiện trước đây. Tuy nhiên, sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước và cần phải thực hiện quyết liệt mới có thể đưa đề án vào vận hành.

Mô hình vận hành và quản trị 

Theo Đề án sàn giao dịch heo hơi, sẽ thành lập công ty sàn giao dịch hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp, với sự tham gia của các chợ đầu mối. TPHCM cử DN tham gia cổ đông (nếu cần).

Công ty sàn giao dịch đầu tư, vận hành, duy trì, quản lý hoạt động của sàn và thu phí giao dịch qua sàn. Dữ liệu sàn giao dịch thuộc nguồn dữ liệu của UBND TPHCM được lưu trữ và quản lý tại Trung tâm Dữ liệu của TPHCM. UBND TPHCM chỉ định cơ quan quản lý nhà nước giám sát hoạt động của sàn. Đối tượng tham gia là DN, tổ chức, cá nhân chăn nuôi heo, cung cấp heo hơi đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, gồm: DN, thương nhân kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối;  DN, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ logistics (thu mua, vận chuyển, giao nhận…); DN, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ giết mổ công nghiệp; DN, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định chất lượng độc lập.

Về phương thức giao dịch qua sàn, người bán (cơ sở chăn nuôi) và người mua (thương nhân kinh doanh thịt heo tại chợ đầu mối) trao đổi thông tin, thống nhất giá cả, phương thức vận chuyển, kiểm tra chất lượng hàng hóa thông qua sàn giao dịch với các phương thức kinh doanh sau:
- Trường hợp 1: Người bán xuất bán heo hơi tại trại, người mua thanh toán tiền hàng và thuê phương tiện để vận chuyển về cơ sở giết mổ công nghiệp (thương nhân đã ký hợp đồng giết mổ) để giết mổ. Heo sau giết mổ sẽ vận chuyển về chợ đầu mối kinh doanh. Thương lái chỉ đóng vai trò là đơn vị thực hiện dịch vụ vận chuyển heo từ nơi này đến nơi khác theo yêu cầu của người mua.
- Trường hợp 2: Người bán xuất bán heo hơi và vận chuyển heo đến cơ sở giết mổ công nghiệp để bán cho người mua. Người mua nhận heo hơi tại cơ sở giết mổ, thanh toán tiền hàng và phí vận chuyển đến cơ sở giết mổ cho người bán, giết mổ heo và vận chuyển về chợ đầu mối. Người mua và người bán có thể thuê thương lái thực hiện các dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng. 
- Trường hợp 3: Người bán xuất bán heo hơi, vận chuyển đến cơ sở giết mổ công nghiệp để giết mổ và bán cho người mua sản phẩm heo mảnh. Người mua nhận heo mảnh tại cơ sở giết mổ và vận chuyển về chợ đầu mối.  Người mua thanh toán tiền hàng cho người bán khoản chi phí gồm: tiền hàng (giá bán heo hơi) + phí vận chuyển (từ trang trại của người bán đến cơ sở giết mổ) + phí giết mổ. 

Trong cả 3 trường hợp trên, để đảm bảo chất lượng thịt heo sau khi giết mổ tại các cơ sở công nghiệp, người bán/ người mua do thương lượng sẽ quyết định đơn vị kiểm định độc lập kiểm tra về tỷ lệ nạc, mỡ, độ PH… trong thịt để quyết định giá bán/giá mua, thưởng/phạt.

Sở Công thương TPHCM hiện đang tiến hành làm việc với các sở ngành của TP, chợ đầu mối và các tỉnh, thành nhằm đảm bảo đưa đề án vào vận hành trong thời gian sớm nhất. 

Tin cùng chuyên mục