Xây dựng sản phẩm trọng điểm quốc gia - Chọn chiến lược đầu tư đúng tầm

Ngày 24-7, tại An Giang, Chính phủ tổ chức hội nghị về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện các bộ, ngành, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và TPHCM.
Xây dựng sản phẩm trọng điểm quốc gia - Chọn chiến lược đầu tư đúng tầm

Ngày 24-7, tại An Giang, Chính phủ tổ chức hội nghị về chính sách, mô hình phát triển các sản phẩm trọng điểm vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện các bộ, ngành, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL và TPHCM.


Những khó khăn chung

Hai báo cáo của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã nêu lên những khó khăn của những mặt hàng chiến lược, mũi nhọn của ĐBSCL như: lúa, cá tra, tôm sú đều đối diện với khó khăn chồng chất. Cả nông dân trồng lúa và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đều rơi vào khó khăn chung: giá cả thấp, thiếu đầu ra và thiếu vốn. Trong đó, nổi lên là tình trạng tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề, nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu.

Do thiếu chính sách phù hợp, nuôi và chế biến tôm sú đang gặp nhiều khó khăn (ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau). Ảnh: Lý Trường Xuân

Do thiếu chính sách phù hợp, nuôi và chế biến tôm sú đang gặp nhiều khó khăn (ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu ở Cà Mau).                       Ảnh: Lý Trường Xuân

Trong khi đó, giá lúa luôn ở mức thấp do xuất khẩu gạo gặp nhiều đối thủ cạnh tranh ở thị trường gạo phẩm cấp thấp. Đối với cá tra, chính sự cạnh tranh không lành mạnh, chào mời giá thấp đã đẩy doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân lâm vào cảnh lỗ nặng. “Hội nghị là nơi gợi mở, tìm ra cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp, từng bước thúc đẩy các mặt hàng nông - thủy sản chủ lực phát triển ổn định, làm nền tảng nâng cao đời sống của người dân trong vùng” - Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ra “đề bài”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên bức xúc: “Hiện các cơ chế, chính sách đặt ra khá nhiều nhưng đi vào thực tế còn khó. Cụ thể như sản phẩm trọng điểm là lúa gạo. Địa phương muốn đầu tư trạm bơm điện theo chỉ đạo của Thủ tướng nhưng cũng chưa xác định được trách nhiệm này thuộc ngành nào gánh vác. Trong đó, các công trình thủy lợi hiện nay bồi lắng rất nhiều sau mỗi mùa lũ, nếu không có kinh phí nạo vét, ĐBSCL sẽ quay lại cảnh thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp mùa khô”.

Vấn đề được lãnh đạo các tỉnh trong vùng bàn thảo nhiều là nên tạm trữ hay chủ động mua dự trữ và ai đứng gánh ra trọng trách này. Có ý kiến cho rằng: các quyết định mua tạm trữ lúa, gạo là đúng nhưng ban hành chậm. Đến khi doanh nghiệp triển khai, nông dân đã bán hết. Tuy nhiên, có ý kiến đặt vấn đề: Dân muốn đưa lúa vào kho nhưng kho dự trữ nhà nước không có hệ thống sấy lúa thì sao?

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Phan Văn Sáu đề xuất: “Khâu dự trữ hay tạm trữ phải do nhà nước làm, không nên để doanh nghiệp nhận khâu này. Trên cơ sở phải quy hoạch, đầu tư cho các vùng cộng với kho các doanh nghiệp”.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Dự trữ hay tạm trữ là vấn đề đại sự. Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu nhanh nên đi theo hướng nào; phương thức dự trữ, trách nhiệm của các tổng công ty, doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo ra sao?”.

Trong khi thị trường gạo phẩm cấp thấp gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều đối thủ, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương An Giang, cho rằng: Cần có lộ trình để phát triển lúa hàng hóa theo hướng chất lượng cao, giảm dần tỷ lệ gạo phẩm cấp thấp để hạn chế rủi ro cho nông dân. Đây cũng là một đề xuất đáng được nghiên cứu khi thị trường tiêu thụ gạo có những “đột biến” lớn về gạo phẩm cấp thấp.

Chính sách chưa đi vào trọng tâm

Nhiều người trách không ít doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã tự “đào lỗ chôn mình” khi tự hạ giá bán cá để câu khách hàng. “Mỗi lần các doanh nghiệp đi dự hội chợ thủy sản quốc tế về, giá cá tra xuất khẩu lại giảm thê thảm. Doanh nghiệp không chỉ tự hại mình mà kéo chìm theo người nuôi cá” - một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chua xót nhận định.

Thời cực thịnh của con cá tra đã tạo ra hàng trăm tỷ phú cá tra ở các cù lao và các vạt đất ven sông Hậu, sông Tiền và tự hào mang về hàng tỷ USD từ xuất khẩu. Khi các nhà máy thủy sản mọc lên như nấm, xuất hiện các nhà xuất khẩu “hai không”: không nuôi cá, không nhà máy thì thị trường xuất khẩu cá tra rối như canh hẹ. Điều này cũng thể hiện sự quản lý quá kém của các cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp… để doanh nghiệp muốn làm gì thì làm.

“Chính phủ sớm triển khai các cơ chế, chính sách giải pháp hỗ trợ thiết thực cho người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra. Các giải pháp này chậm, hậu quả sẽ rất nặng cho khu vực ĐBSCL. Hiện tại, cả nông dân và doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay. Nếu gói hỗ trợ mà kèm theo điều kiện “đòi thế chấp tiếp”, cả nông dân và doanh nghiệp đều không thể vay tiếp, vì tài sản họ đã nằm ở ngân hàng. Các cơ chế, chính sách đưa ra phải lường trước được tình trạng của nông dân, doanh nghiệp hiện nay để điều chỉnh hợp lý” - bà Mai Thị Ánh Tuyết kiến nghị.

Các tỉnh vùng ĐBSCL kiến nghị các chính sách hỗ trợ, tăng cường liên kết đối với sản xuất lúa và một số mặt hàng nông sản, thủy sản chủ yếu. Đối với cây lúa, tập trung giải quyết vấn đề nước tưới (hỗ trợ kinh phí củng cố đê bao sản xuất lúa vụ thu đông, bơm tát nước cho sản xuất vụ đông xuân tới), áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng mức vốn vay.

Về xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư 100% kênh mương cấp 1, cấp 2, hỗ trợ 50% giống lúa cho 1 vụ đầu, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư máy nông nghiệp, hệ thống sấy lúa, hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, huấn luyện nông dân các kỹ năng sản xuất và phối hợp tiêu thụ sản phẩm.

Về chính sách, đề nghị cần ban hành văn bản bắt buộc doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải xây dựng ít nhất một vùng nguyên liệu đảm bảo đủ lúa cung cấp ít nhất 15% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng của năm 2013, tiến tới năm 2014 phải đảm bảo ít nhất 50% lượng gạo xuất khẩu trong năm theo hợp đồng.

Đặc biệt, cần thiết phải phát triển các mô hình liên kết sản xuất giữa hộ nông dân, các tổ chức hợp tác như hợp tác xã với các thành phần kinh tế ở nông thôn trong vùng, với 2 sản phẩm chủ lực của vùng là lúa và cá, nếu thực hiện đúng với tinh thần liên kết.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế thế giới khủng hoảng, kinh tế Việt Nam cũng lâm vào khó khăn, nhưng một lần nữa vai trò của sản xuất nông nghiệp đã gánh vác, góp phần vào ổn định an sinh xã hội, kiềm chế lạm phát, tạo ra nguồn nguyên liệu tiếp tục duy trì nhịp độ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực.

Đối với kiến nghị về cơ chế chính sách của các tỉnh vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh kết luận: “Thống nhất cao việc nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách; lựa chọn sản phẩm trọng điểm quốc gia, gắn với các quy hoạch đối với từng vùng. Các quy hoạch và điều chỉnh phải phát huy lợi thế cả vùng, không rơi vào tình trạng tự phát”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, trước mắt, triển khai nhanh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nuôi, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra. Về lâu dài, nghiên cứu, bổ sung thêm các cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường có vai trò nhà nước hỗ trợ. Đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và nông dân.

Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thế mạnh

Kinh tế ĐBSCL đã có những chuyển biến gì sau khi Việt Nam gia nhập WTO là nội dung chính được bàn đến tại hội thảo “Kinh tế ĐBSCL sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức ngày 24-7.

Sau 5 năm gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng GDP của ĐBSCL đạt 11,2%/năm, cao hơn giai đoạn 2001 - 2005. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL vẫn còn khó khăn như thiếu quy hoạch tổng thể và thiếu liên kết, hạ tầng kém phát triển, chất lượng lao động chưa cao. Đầu tư quốc gia vào ĐBSCL còn hạn chế, chỉ chiếm khoảng 13,6% tổng đầu tư quốc gia. Vốn tín dụng thấp, tổng dư nợ chỉ có 9% so cả nước.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, hội thảo kiến nghị các tỉnh cần thay đổi tư duy và tầm nhìn, hướng đến những lợi ích bền vững, xây dựng cơ chế phối hợp nghiên cứu, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, trước hết là phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ, vốn và tín dụng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực… để thu hút đầu tư hiệu quả hơn cũng như định hướng sản xuất nâng cao chất lượng cạnh tranh cho các sản phẩm có lợi thế như lúa, thủy sản.

Đ.Tuyển


Chủ tịch UBND TPHCM LÊ HOÀNG QUÂN: Liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

Trong 10 năm qua, TPHCM đã hợp tác chặt chẽ với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trên các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến lương thực thực phẩm, hệ thống phân phối hàng về nông thôn. Đây là vùng đất tiềm năng rất lớn. Chính vì vậy, lĩnh vực nông nghiệp cần phải có chính sách vĩ mô điều hành. Các doanh nghiệp TPHCM sẽ phối hợp chặt với doanh nghiệp ĐBSCL, liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tôi quan tâm đến “định suất” đầu tư vào cơ sở hạ tầng ĐBSCL cao gấp 2 - 3 lần so với các vùng khác do nền đất yếu. Đây cũng là một hạn chế mà không ít doanh nghiệp khi đầu tư vào ĐBSCL e ngại. Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm: ĐBSCL sẽ chịu tác động mạnh trong bối cảnh

biến đổi khí hậu gia tăng. Cần có những công trình nghiên cứu, đánh giá đến sản lượng nông sản trong vùng từ nay đến năm 2020 - 2030 để có giải pháp thích ứng.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang NGUYỄN VĂN KHANG: Không nên đầu tư dàn trải

Việc bức xúc hiện nay là tổ chức lại sản xuất cho nông dân. Sản xuất riêng lẻ như hiện nay không giải quyết được những khó khăn về đầu ra, đầu vào. Chúng ta có luật và chính sách cho HTX. Nhưng chính sách đất đai, thuế, tín dụng cần xem lại để có những điều chỉnh hợp lý. Vai trò của HTX trong sản xuất hàng hóa là rất quan trọng.

Chúng ta nói liên kết vùng, nói để mà nói chứ không có ai điều hành cụ thể. Trồng cây, nuôi cá, tỉnh nào làm cũng được. Vậy vùng nào là trọng điểm? Cần có cơ chế, chính sách tính lại mối liên kết vùng. Không thể dàn trải như thời gian đã qua. Như Tiền Giang có 21 chủng loại trái cây. Trái cây nào thuộc tiêu chí sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm địa phương, cần phân chia cụ thể để có chính sách, đầu tư đúng mức cho các sản phẩm quốc gia.


CAO PHONG

Tin cùng chuyên mục