
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chính thức có ý kiến về đề án xây dựng TP hai bên bờ sông Hồng. Nếu dự án được phê duyệt và thực hiện, thủ đô Hà Nội sẽ mang diện mạo mới với công viên, khu sinh thái khổng lồ, khu đô thị... ở hai bên bờ sông Hồng, nơi cư trú của 10% dân số Hà Nội.
Siêu dự án 1,7 tỷ USD

Dự án sông Hồng được xây dựng theo mô hình chỉnh trị sông Hàn ở Seoul Hàn Quốc. Ảnh: H.Y
Sông Hồng đoạn qua Hà Nội dài tới 40 km được chia thành 4 khu vực phát triển. Trong đó sẽ có khoảng 2.050 ha đất mới phát sinh hai bên sông Hồng được cải tạo và phát triển đô thị, với khoảng 90.000 nhà ở, khu phân phối hàng đa chức năng, công trình công cộng và quỹ đất dự phòng cho các lễ hội và sự kiện thể thao quốc tế. Tổng quy mô dân số ước tính cho toàn khu vực sẽ lên tới 90.000 hộ, tương đương 318.180 người. Tuy nhiên, để có được quỹ nhà ở như trên, khối lượng công việc phải làm rất lớn, bắt đầu từ việc chỉnh trị sông Hồng, cải tạo, gia cố hệ thống đê, bến cảng, hệ thống giao thông (cầu, đường đê, bến phà, đường chui), xây dựng công trình...
Theo ông Lee Sang Yeal, chuyên gia quản lý dự án (thuộc Tổ dự án sông Hồng - TP Seoul, Hàn Quốc), chỉ tính kinh phí thực hiện dự án chính (chỉnh trị sông, công viên ven sông, đường đê...) trên cơ sở giai đoạn nghiên cứu đã lên tới 2.724 tỷ đồng, tương đương 1,7 tỷ USD. Ngoài ra, khó khăn lớn nhất đối với dự án là công tác giải phóng mặt bằng. Ước tính ban đầu, sẽ có tới 35.000 hộ phải di dời, tức là khoảng 180.000 người. Trong đó, dự kiến 27.000 hộ cần cung cấp nhà tái định cư. “Nếu chỉ chờ đợi ngân sách nhà nước thì không thể đủ. Vì vậy siêu dự án này cần sự tham gia của cả nhà nước và các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Quỹ đất khổng lồ tạo ra sau khi hoàn thành chỉnh trị sông Hồng sẽ là sức hút rất lớn đối với các nhà đầu tư” - ông Lee Sang Yeal nói.
Sẽ thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia
Theo Phó Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Đỗ Viết Chiến, hiện nay là thời điểm chín muồi để triển khai xây dựng quy hoạch TP hai bên sông Hồng, bởi cơ chế, chính sách pháp luật đã tương đối rõ. Hơn nữa, khả năng huy động vốn, công nghệ, kỹ thuật có thể học hỏi từ dự án chỉnh trị sông Hàn ở Seoul đã được phía Hàn Quốc thực hiện trước đó. Ủng hộ dự án, nhưng Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Hà Nội và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu một cách khoa học, cẩn thận với quy trình chặt chẽ. Để đẩy nhanh quá trình phê duyệt, cần thành lập Hội đồng thẩm định quốc gia. Mặt khác, nhiều khả năng dự án này sẽ phải trình Quốc hội xin ý kiến trước khi Chính phủ phê duyệt.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu cho biết những đề xuất của Tổ dự án như giải phóng mặt bằng tập trung, xây dựng cơ chế kêu gọi đầu tư; lập một đầu mối đa quốc gia để tiến hành đầu tư xây dựng... sẽ được giải quyết với tinh thần Hà Nội cùng cả nước, cả nước vì Hà Nội. Trước mắt, trong tháng 9-2007, thành phố sẽ tổ chức trưng bày đồ án thành phố hai bên sông Hồng để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân.
Hàm Yên