Xây dựng thành phố thông minh: Người dân bắt đầu hưởng lợi

Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” sau gần nửa năm công bố đã có những bước đi cho việc hình thành 4 trụ cột. 
Song song đó, nhiều cơ quan nhà nước đang nỗ lực tăng cường việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách thủ tục hành chính và các dịch vụ công trực tuyến, nhằm đem lại sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp. 
Bước đột phá từ thủ tục hành chính
Quản lý hồ sơ đất đai luôn là bài toán khó, bởi sự phức tạp về nguồn gốc của các khối tài sản lớn, sự “dắt dây” của nhiều quy định pháp luật. Thế nên, việc TPHCM tiên phong thử nghiệm thành công “Hệ thống một cửa liên thông trong quản lý hồ sơ đất đai” (Hệ thống một cửa đất đai) với 52 loại thủ tục được cho là bước đột phá. Theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TPHCM, vấn đề nổi cộm nhất sau công tác rà soát liên quan đến thủ tục đất đai tại Sở Tài nguyên - Môi trường, Văn phòng Đăng ký đất đai TP, các phòng chuyên môn xử lý hồ sơ hành chính cấp quận - huyện là việc chưa đồng nhất về quy trình, biểu mẫu; mỗi nơi sử dụng một phần mềm quản lý hồ sơ khác nhau; đặc biệt là chưa liên thông, kết nối thông tin giữa các cấp để quản lý điều hành… 
Sau hơn một năm thử nghiệm, hệ thống một cửa đất đai đã giải quyết căn bản tình trạng khó khăn nêu trên. Tính đến ngày 28-4-2018, hệ thống đã tiếp nhận hơn 865.000 hồ sơ nhà đất của người dân. Riêng trong tháng 4-2018 là 16.487 hồ sơ, với 6.386 hồ sơ (80%) được giải quyết đúng hạn. Không những thế, hệ thống cho phép tích hợp với hệ thống một cửa điện tử (ISO điện tử tại đơn vị), từ đó người dân dễ dàng biết được tình trạng hồ sơ xử lý thông qua tin nhắn, email, qua trang dịch vụ công TP (dichvucong.hochiminhcitygov.vn). 
Xây dựng thành phố thông minh: Người dân bắt đầu hưởng lợi ảnh 1 UBND quận 1 triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến để hỗ trợ người dân
Tại buổi họp báo quý 1-2018, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp tại TP trong quý 1 đạt 49%. Mục tiêu của TP là đến năm 2020 mọi thủ tục hành chính đều được thực hiện trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4, nhất là trong các lĩnh vực mà người dân và doanh nghiệp quan tâm nhiều. Để hoàn thành mục tiêu này, hiện cổng thanh toán trực tuyến đang được thử nghiệm ở Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Dự kiến trong quý 2-2018 sẽ chính thức vận hành cổng thanh toán trực tuyến để người dân và doanh nghiệp có thể thanh toán được ngay sau khi làm thủ tục.
Ghi nhận cho thấy, việc đơn giản và công khai thủ tục hành chính đã được chính quyền TP ưu tiên đầu tư. Trong năm 2017, TP đã chi khoảng 1.200 tỷ đồng từ vốn ngân sách cho chương trình cải cách thủ tục hành chính và dự kiến sẽ chi thêm khoảng 2.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2018-2020.
Một thành phố thông minh, sáng tạo
Song song với một chính quyền phục vụ dân, TPHCM cũng đặt ra mục tiêu phát triển trên cơ sở đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số; quản trị đô thị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân. Trên cơ sở đó, TP xây dựng đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Gần nửa năm sau ngày công bố, lãnh đạo TP liên tục thúc đẩy các chương trình để thực hiện đề án này. 
Theo Giám đốc Sở TT-TT Dương Anh Đức, tùy theo nhu cầu của từng khu vực, các nội dung thí điểm có thể bao gồm xây dựng trung tâm điều hành (về giao thông, an ninh trật tự) cùng các cơ sở dữ liệu… Các kết quả triển khai thí điểm đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ với 4 trụ cột (trung tâm) được hình thành sau này nên phải lưu ý tính tổng thể, khớp với kế hoạch chung và khung công nghệ của TP.
Đặc biệt, ông Dương Anh Đức nêu rõ: Cơ sở dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị, tổ chức và người dân cùng khai thác. Đó là quyền lợi mà người dân của thành phố thông minh được hưởng. Hiện Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đang lập kế hoạch xây dựng trung tâm mô phỏng - một trong 4 trụ cột của đề án, nhằm phân tích dự báo ngắn hạn và dài hạn các vấn đề cơ bản như năng lượng, giao thông, môi trường. Trong năm 2018, trung tâm sẽ ưu tiên cho thông tin dữ liệu, số liệu liên quan về kinh tế - xã hội và giao thông. 
Không dừng lại ở đó, theo định hướng của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, TP còn phải hình thành cho được một khu đô thị sáng tạo, trên cơ sở kết nối Khu Công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) và trung tâm hành chính (quận 2), tạo thành hạt nhân sáng tạo. Đó là mô hình phát triển đô thị công nghệ cao, thông minh, kết nối các chức năng nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực… Đặc biệt, tại đây sẽ hình thành một hệ sinh thái thuận lợi nhằm đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khai thác tiềm lực của cộng đồng trí thức trẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến - Phó ban Điều hành đề án thành phố thông minh: Thời gian qua, TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện và trình duyệt kế hoạch triển khai chi tiết trong năm 2018 cho các nội dung trọng yếu của đề án. Năm 2018 sẽ là năm bản lề để thiết lập nền móng về khung kiến trúc, hạ tầng công nghệ cho 4 dự án trọng tâm; triển khai thí điểm đồng bộ, hiệu quả các mô hình, giải pháp đô thị thông minh tại các quận, huyện và các ngành dọc của TP.

Tin cùng chuyên mục