(SGGP).- Ngày 13-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành để nghe báo cáo “Đề án phát triển thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn 2030”.
Khách hàng tham quan mô hình chung cư tại TPHCM. Ảnh: T.L
Đề án do Sở Xây dựng TPHCM và Trường Đại học Việt - Đức thực hiện; theo đó, trong giai đoạn 2006-2015, diện tích nhà ở bình quân đầu người đã tăng từ 10,3 lên 17,32m²/người. Các dự án BĐS được đầu tư chủ yếu ở khu Đông, Nam và Đông Nam TP, phù hợp với định hướng phát triển chung của TP. Tuy nhiên hiện nay nhà dân tự xây vẫn chiếm 80% diện tích sàn nhà ở tăng thêm. Toàn TP có hơn 1.200 dự án nhà ở được triển khai, tuy nhiên chỉ mới có 40% dự án được hoàn thành và chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ, còn lại vẫn trong tình trạng dở dang. Xét về độ minh bạch, thị trường BĐS Việt Nam xếp thứ 68/102 quốc gia (năm 2014), chính sự thiếu minh bạch nên thường dẫn đến tình trạng đầu cơ, đầu tư. Vì vậy trên thị trường BĐS vẫn xảy ra tình trạng “sốt đất”, có thời điểm trong vòng hơn một năm BĐS tăng đến 400%, sau đó lại rơi vào tình trạng “đóng băng” kéo dài. Quá trình đầu tư cho một dự án quá dài, mỗi dự án tùy quy mô mất từ 400 đến 500 ngày mới đầy đủ các thủ tục cần thiết để tiến hành khởi công.
Chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng, thị trường BĐS bị “ức chế” nhiều yếu tố như chính sách pháp luật, yếu tố đầu cơ và bị tác động bởi nhiều thị trường khác. TPHCM có rất nhiều quy hoạch khác nhau có ảnh hưởng đến thị trường BĐS như quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị... Một dẫn chứng cho thấy không có sự liên kết giữa các quy hoạch khác nhau của thành phố, ở đây là công tác phát triển nhà ở và định hướng quy hoạch không gian và phát triển hệ thống giao thông công cộng của thành phố. Cụ thể, đến năm 2015, toàn thành phố có 1.219 dự án nhà ở nhưng chỉ có 207 dự án trong bán kính phục vụ trực tiếp (bán kính 500m) của hệ thống đường sắt đô thị tương lai, một tỷ lệ quá thấp. Tín dụng cho bất động sản cũng bất hợp lý chỉ có 20% dành cho khách hàng mua nhà.
Góp ý với đề án, TS Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho rằng nhiều quy định pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh BĐS vẫn còn chồng chéo nhau, dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã tiếp tục tháo gỡ. Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, hoàn thiện thể chế phải đi đôi với việc đổi mới tư duy, nhằm tạo ra sự đột phá để phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường BĐS; giải quyết cho được bài toán nhà ở cho số đông người có thu nhập thấp trong xã hội, trước hết là người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư. Phải loại trừ được lợi ích nhóm, hiện tượng “lobby” chính sách, phải khắc phục cho được xu hướng tập trung quyền lực xét duyệt, thẩm định về các bộ, ngành (nguồn gốc đẻ ra cơ chế “xin - cho” và nhũng nhiễu), đi ngược lại xu thế phân cấp, giao quyền nhiều hơn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước đây.
Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Trọng Tuấn đề xuất, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, TP cần triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản để phát triển thị trường BĐS minh bạch, bền vững. Công khai các thông tin quy hoạch, đầu tư để người dân, doanh nghiệp theo dõi, tiếp cận. Tăng cường trách nhiệm các cơ quan trong việc thực thi các quy định về pháp luật. Xây dựng trung tâm thông tin về thị trường BĐS trực thuộc UBND TP để làm đầu mối quản lý, khai thác dữ liệu thông tin liên quan. Tạo quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đơn giản cách tính tiền sử dụng đất, phấn đấu đến năm 2017 cấp giấy phép qua mạng đối với các dự án đã có quy hoạch 1/500… Thành lập cơ quan quản lý phát triển nhà ở trực thuộc UBND TP (Cục Phát triển nhà ở), tập trung phát triển nhà ở xã hội… Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa lưu ý, đề án cần có sự đóng góp của nhiều sở, ngành khác và hoàn chỉnh để lãnh đạo TP xem xét trong thời gian tới. Các giải pháp đưa ra cần ứng dụng được vào thực tế, tránh chung chung. Thị trường BĐS “sốt” hay “đóng băng” đều do yếu tố chủ quan, do cơ chế, chính sách vì vậy chúng ta cần phải loại trừ các yếu tố này.
Đỗ Trà Giang