Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, xung quanh vấn đề này.
>> Ông LÊ TIẾN CHÂU: Năm 2019, Nghị quyết của HĐND tỉnh Hậu Giang đề ra 19 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, ước cả năm có 13 chỉ tiêu vượt kế hoạch là: GRDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu nội địa, chỉ số giá tiêu dùng, kim ngạch xuất nhập khẩu, số lao động được tạo việc làm, nhóm chỉ tiêu về viễn thông và nhà ở, xã nông thôn mới, tỷ lệ dân số được cấp nước hợp vệ sinh và nước sạch, tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo. Có 5 chỉ tiêu đạt kế hoạch là dân số trung bình, y tế, nhóm chỉ tiêu về xử lý chất thải, quốc phòng, an ninh; còn 1 chỉ tiêu gần đạt là tăng trưởng kinh tế.
Nổi bật là tái cơ cấu kinh tế tiếp tục được quan tâm chỉ đạo theo chiều sâu, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,5%, trong đó lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp tăng 2,77%, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng 10,19%, lĩnh vực dịch vụ tăng 6,51%. Quy mô kinh tế toàn tỉnh đã đạt trên 33.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/người/năm, tăng 6,09 triệu đồng so với cùng kỳ và đạt 106,38% kế hoạch. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá tích cực, so với cùng kỳ tỷ trọng khu vực 1 giảm 0,98%, khu vực 2 tăng 1,18%. Cơ cấu kinh tế này cho thấy, tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu đã có tác động tích cực, công nghiệp đang vươn lên, nông nghiệp đang phục hồi. Đặc biệt, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 25 dự án đầu tư được cấp chủ trương đầu tư với tổng số vốn là 3.085,6 tỷ đồng, tăng 16,5% so cùng kỳ, tạo việc làm cho trên 4.570 lao động.
Hậu Giang là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về phong trào xây dựng nông thôn mới. Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2010-2020, Hậu Giang là một trong 19 bộ ban ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương được vinh danh và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất. Đến cuối năm 2019, Hậu Giang có 29/53 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 54,72%; số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 15,6 tiêu chí/xã, đạt và vượt kế hoạch. Đến nay đã có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Hậu Giang đang hướng đến sự đột phá trong du lịch và sản xuất nông nghiệp thông minh. Vậy theo ông, Hậu Giang sẽ làm gì để phát triển 2 mũi kinh tế này?
Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã và đang tiếp cận những kỹ thuật canh tác tiên tiến nhằm chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ nông nghiệp. Theo đó, tỉnh đã tổ chức thành công hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh” và tiếp đến là hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”. Sau hội thảo, tỉnh đã thí điểm thành công và đang nhân rộng ra toàn tỉnh mô hình sản xuất lúa thông minh với việc canh tác bằng máy cấy sạ hàng và bón phân thông minh, gắn thiết bị thông minh đo mực nước trên mặt ruộng, hệ thống điều khiển bơm nước tự động… Hậu Giang đang từng bước chuyển mình và tận dụng tối đa những kết quả mà cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang mang lại.
Bên cạnh phát triển nông nghiệp theo phương pháp tiên tiến, ứng dụng tốt công nghệ thông tin, Hậu Giang xác định phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới chính là một giải pháp căn cơ để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho người dân nông thôn. Phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Hậu Giang đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch mới, như kêu gọi đầu tư khai thác du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng - một trong những điểm nhấn quan trọng, điển hình cho loại hình du lịch sinh thái tại Hậu Giang. Hiện nay, tỉnh đang xây dựng đề án đưa khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng trở thành khu du lịch quốc gia, sẽ hoàn thành vào năm 2020. Đồng thời xúc tiến xây dựng đề án khai thác loại hình du lịch đường sông trên kênh xáng Xà No kết hợp với khai thác Công viên Xà No - Hậu Giang đoạn đi qua nội ô thành phố Vị Thanh. Tỉnh tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, nhất là đường đến các điểm tham quan: Đền thờ Bác Hồ, vùng du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc, khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng. Hậu Giang sẽ nỗ lực xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm và bằng nhiều hình thức khác nhau. Xây dựng hình ảnh, thương hiệu về vùng đất và con người Hậu Giang, trong đó chú trọng xây dựng thương hiệu du lịch Hậu Giang.
- Đối thoại DN được xem là việc làm thường xuyên của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang. Vậy qua các cuộc đối thoại này, theo ông, phía tỉnh đã đúc kết được những bài học gì; tới đây, tỉnh sẽ phát huy ra sao?
Tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực hành động để hướng tới mục tiêu xây dựng thành công chính quyền thân thiện, kiến tạo. Đối thoại với DN được xem là một trong những nội dung quan trọng và thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang. Hàng quý, UBND tỉnh tổ chức diễn đàn đối thoại với DN. Định kỳ hàng tháng, Hiệp hội DN tỉnh cũng tổ chức các buổi cafe doanh nhân, với sự tham gia của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ban ngành, tạo sự gần gũi, thân thiện và xóa bỏ khoảng cách hành chính giữa DN với chính quyền. Chúng tôi coi các DN, doanh nhân không chỉ là đối tác, đối tượng phục vụ, mà sau công việc, còn là những người bạn chia sẻ với nhau những quan điểm, giá trị sống cốt lõi.
Trong thời gian qua, việc tiến hành đối thoại DN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ những buổi đối thoại ban đầu, DN chưa mạnh dạn đóng góp cũng như kiến nghị để giải quyết khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì đến nay, các DN đã mạnh dạn đưa ra những kiến nghị thẳng thắn, đi vào chiều sâu và có nhiều giải pháp để cùng đồng hành với chính quyền. Đồng thời, tích cực có những kiến nghị, đề xuất điều chỉnh chính sách, pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Nhiều kiến nghị, đề xuất của các DN đã được tỉnh tiếp thu, đưa vào nội dung Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh tới đây.
Qua các cuộc đối thoại với DN, chúng tôi nhận thấy những mặt được: Nắm bắt kịp thời những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng DN, từ đó xác lập được kênh, cơ chế giải quyết kiến nghị của DN sau đối thoại. Từ nắm bắt thông tin trực tiếp trong cộng đồng DN, chính quyền có cơ sở đánh giá tác động của việc ban hành và thực thi những quy định có liên quan đến DN. Truyền tải thông tin cập nhật về cơ chế, chính sách đến cộng đồng DN, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Qua đó, góp phần xây dựng thái độ tích cực của lãnh đạo chính quyền, nhất là các cán bộ trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính, nhằm củng cố niềm tin trong cộng đồng DN về quyết tâm và hành động thực tiễn của chính quyền.
Hậu Giang đang đặt nhiều kỳ vọng phát triển thành trung tâm nông nghiệp xanh của vùng ĐBSCL. Trong đó, riêng ngành du lịch, tỉnh đã có Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng”. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Theo đó, phát triển du lịch Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL, với mục tiêu đến năm 2025 thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.200 lao động địa phương |