Xây dựng thương hiệu nông sản Đông Nam bộ

Đông Nam bộ là vùng đất giàu tiềm năng để tạo ra các mặt hàng nông sản xuất khẩu giá trị cao, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như kết nối với các vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc đủ sức cạnh tranh trên thị trường phụ thuộc rất nhiều vào việc tận dụng lợi thế của công nghệ, xây dựng thương hiệu nông sản, hướng tới sự phát triển bền vững. 
Vườn nhãn Ido ở Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh)
Vườn nhãn Ido ở Truông Mít (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh)

Nâng tầm giá trị nông sản bằng công nghệ

Toàn tỉnh Tây Ninh hiện có hơn 3.400ha cây ăn trái như nhãn, bưởi, sầu riêng, mãng cầu… được chuyển đổi từ các cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp hơn như cao su, mì, mía. Trong đó, nhiều diện tích vườn cây ăn trái được áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến. Điểm nhấn lớn nhất của nông sản Tây Ninh là việc trái mãng cầu trở thành sản phẩm nổi bật, đã có chỉ dẫn địa lý, có giá trị cạnh tranh cao cả về diện tích lẫn năng suất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung xây dựng thương hiệu một loạt các sản phẩm khác như bưởi da xanh, xoài, mít... Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, các sản phẩm này sắp tới sẽ được áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng được 2-3 thương hiệu nông sản đặc trưng của địa phương.

Tại Bình Phước, hiện có 21 hợp tác xã (HTX) và hơn 100 tổ hợp tác hoạt động lĩnh vực trồng cây ăn trái với diện tích trên 10.000ha, tăng 637ha so với năm 2018. Do diện tích đất phù hợp để trồng cây ăn trái manh mún, nên nhà nông cần tìm hiểu thông tin, nhu cầu thị trường, liên kết tạo cánh đồng lớn nhằm sản xuất ra sản phẩm đồng nhất, có sản lượng đủ lớn để xây dựng thương hiệu.

UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở KH-CN triển khai dự án xây dựng nhãn hiệu tập thể, quảng bá thương hiệu đối với sản phẩm gà thả vườn và nhãn tiêu da bò Thanh Lương - Bình Long. Sau hơn 2 năm thực hiện, 2 sản phẩm này đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho chủ sở hữu là Hội Nông dân xã Thanh Lương (thị xã Bình Long). Theo đó, 31 hộ nông dân trồng nhãn và 32 hộ dân nuôi gà của Thanh Lương được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể này. 

Việc được công nhận nhãn hiệu tập thể bước đầu khẳng định thương hiệu và giá trị của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại các địa phương. Đồng thời mở rộng quy mô, tăng đầu tư vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Liên kết sản xuất theo chuỗi

Ngành chức năng 2 tỉnh trên đang chú trọng hình thành những vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực, tăng cường xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đưa sản phẩm tham gia các hội chợ triển lãm để quảng bá, phát triển thị trường; đồng thời định hướng nhà vườn liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Tại Tây Ninh, việc hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi gia tăng giá trị sản phẩm đang được nhân rộng. Đến nay, Công ty cổ phần Lavifood đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân các huyện với diện tích 224ha cây ăn trái. Doanh nghiệp này cũng đang phối hợp với UBND huyện Dương Minh Châu xây dựng đề án liên kết sản xuất tiêu thụ rau củ quả với diện tích 3.000ha.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hơn 30% tổng giá trị ngành nông nghiệp, có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn. Đến nay, nhiều mô hình chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái đang mang lại hiệu quả kinh tế cao: Sản xuất mãng cầu VietGAP với diện tích hơn 200ha, bưởi da xanh hơn 1.000ha, chuối già xuất khẩu 380ha, 38 mô hình sản xuất rau an toàn, 33 trang trại trồng rau nhà kính và 90ha sản xuất hoa lan. 

Tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2020 có 157 HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm ngư nghiệp; hơn 50% HTX nông nghiệp đăng ký hoạt động hiệu quả; thành lập mới 73 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả và phấn đấu có 16 HTX ứng dụng công nghệ cao…

Từ đó, ngành nông nghiệp đang tiến hành rà soát các sản phẩm chủ lực theo định hướng cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhằm xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục