(SGGPO).- Chiều nay 22-2, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức tọa đàm Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở.
Theo các đại biểu, TPHCM với đặc điểm là nơi hội tụ cư dân các vùng miền trong cả nước, là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá vùng miền, khu vực, quốc tế, là sự thống nhất trong đa dạng của các nền văn hoá, vì vậy mà trong quá trình xây dựng và phát triển văn hoá con người TP luôn mang nét đặc trưng riêng.
Tọa đàm Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở
Theo Trưởng Phòng Văn hoá - Gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao TPHCM Đặng Hồng Linh, xây dựng và phát triển văn hoá, con người mang nét đặc trưng TPHCM phải đồng bộ từ giải pháp xây dựng con người văn hoá, môi trường văn hoá và thiết chế văn hoá.
Trong đó, để xây dựng con người văn hoá mang nét đặc trưng TPHCM thì phải thực hiện cho được 2 nhóm giải pháp: Xây dựng gia đình văn hoá gắn liền với xây dựng con người văn hoá; xây dựng tiêu chí công dân TPHCM văn minh - lịch sự - nhân ái - nghĩa tình.
Theo bà Linh, phải xây dựng và phát huy cho được lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người", hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hoà tính tích cực cá nhân và tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời tăng cường giáo dục nghệ thuật, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho nhân dân, đặc biệt là thanh niên, thiếu niên. Mọi công dân TPHCM đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử văn hoá dân tộc, xây dựng chuẩn mực văn hoá con người TP luôn năng động với các phẩm chất: văn minh- lịch sử- nhân ái- nghĩa tình.
"Sở Văn hoá và Thể thao TP phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển xây dựng các tiêu chí chuẩn mực về con người mang nét đặc trưng TPHCM để mỗi công dân và cư dân TP phấn đấu hướng tới"- bà Linh nhấn mạnh.
Bà Đặng Hồng Linh phát biểu tại tọa đàm
Theo nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP thì TPHCM đang phấn đấu xây dựng TP văn minh, nghĩa tình nên vấn đề định vị nội dung nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá Việt Nam trong các hoạt động văn hoá là hết sức quan trọng và cần thiết.
Trong đó, theo ông Tuấn, muốn hoạt động văn hoá có hiệu quả thì đội ngũ thực hiện phải có phẩm chất văn hoá và tài năng. Công tác quản lý văn hoá cần hướng đến chất lượng, không chạy theo số lượng và phong trào, các hoạt động văn hoá ở cơ sở nhất thiết phải dựa trên nhu cầu thực tế của người dân và được tổ chức thực hiện với cấp độ cao.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, phải rà soát lại cụ thể từng cơ sở để có được một thiết chế văn hoá phù hợp với mức sống, nhu cầu của người dân trong vùng, không áp đặt theo khuôn mẫu chung. TP cần có chủ trương và có chính sách khả thi để các hoạt động văn hoá gắn kết với du lịch, xác định văn hoá là một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch.
"Tuyệt đối không chạy theo thành tích hoạt động sơ sài, thiếu thuyết phục. Mọi sự nhàm chán đơn điệu, tẻ nhạt đều phản văn hoá"- ông Tuấn nhấn mạnh.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động 45-CTHĐ/TU về thực hiện Nghị quyết 33- NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước gắn với việc xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến, hiến kế của các đại biểu xung quanh những nội dung trọng tâm về xây dựng con người TP phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá; phát triển công nghiệp văn hoá đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hoá TP; chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại...
Hồng Hiệp