Xây dựng trường học nông thôn - Điểm sáng từ vùng sâu Cà Mau

Cà Mau hiện có 532 trường học các cấp, trong đó khoảng 3/4 trường học phân bố ở nông thôn. Các trường học vùng nông thôn hiện có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành những “hạt nhân” nổi bật trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn.
Xây dựng trường học nông thôn - Điểm sáng từ vùng sâu Cà Mau

Cà Mau hiện có 532 trường học các cấp, trong đó khoảng 3/4 trường học phân bố ở nông thôn. Các trường học vùng nông thôn hiện có sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành những “hạt nhân” nổi bật trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn.

  • Hướng về nông thôn

Nhà giáo Ngô Trìu Mến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, khẳng định, nhiệm vụ cấp thiết của ngành là tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống trường học vùng nông thôn. Chỉ khi nào giáo dục nông thôn thoát khỏi tình trạng “thiếu trước, hụt sau” thì mới có thể tính toán những mục tiêu lớn hơn, dài hơi hơn. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia chính là động lực để ngành toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ trên. Tín hiệu đáng mừng nhất chính là mặt bằng chất lượng giáo dục của Cà Mau được nâng lên đồng bộ. Việc hoàn thành Đề án “Nhịp cầu mơ ước” xây dựng 1.588 cây cầu giao thông nông thôn, góp thêm một yếu tố cực kỳ thuận lợi cho giáo dục. Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng có hiệu ứng tích cực đối với các trường học…

Những tiền đề này là cơ sở để công tác xây dựng trường đạt chuẩn ở nông thôn “tăng tốc”. Nhà giáo Tạ Thanh Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đầm Dơi, trăn trở: “Để đầu tư một trường học đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí đánh giá của Bộ GD-ĐT thực sự không đơn giản. Cái khó nhất vẫn là vốn, đặc biệt là vốn cho những trường học vùng nông thôn. Thời gian qua, ngành giáo dục huyện Đầm Dơi đã phát triển hệ thống trường học vùng khó khăn và kết quả là nhiều trường đã đạt chuẩn”.

Thầy trò Trường THCS Long Hòa trong giờ thực hành tin học.

Thầy trò Trường THCS Long Hòa trong giờ thực hành tin học.

Trường THCS Long Hòa, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, là ngôi trường đầu tiên ở bậc học này đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Thầy Trịnh Thanh Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, bộc bạch: “Quỹ đất của trường gần 5.000m². Thành lập năm 2001, trường bắt đầu với 4 phòng học cây lá tạm bợ, 15 giáo viên và 150 học sinh. Ngoài 4 phòng học ra, diện tích còn lại là đất trũng ngập nước. Đến năm 2004, trường được đầu tư xây dựng 6 phòng học cơ bản. Trong thời điểm khó khăn, tỷ lệ học sinh bỏ học lên đến 10%, giáo viên thiếu cả số lượng lẫn chất lượng”. Tuy nhiên, đến nay, toàn trường có 31 cán bộ, giáo viên thì có 11 giáo viên giỏi cấp huyện, 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh lên lớp thẳng luôn duy trì ở mức 98%, với gần 50% học sinh có học lực khá, giỏi. Phong trào xã hội hóa giáo dục đã hỗ trợ đắc lực cho nhà trường trong việc xây dựng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đánh giá đạt chuẩn.

  • Biến “không” thành “có”

Nói về những ngày gian khó đã qua, cô Nguyễn Thị Sáng (quê Đồng Tháp, về Trường THCS Long Hòa năm 2004), chia sẻ: “Tôi được ưu tiên ở nhà tập thể của trường. Khi triều cường, toàn bộ khu tập thể ngập nước, sinh hoạt vô cùng khó khăn. Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chúng tôi phải đi tìm học sinh bỏ học, thuyết phục các em quay trở lại trường. So với trước đây, nhà trường đã có sự “lột xác” hoàn toàn. Khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, niềm vui của chúng tôi càng được nhân lên”.

Cho đến bây giờ, Trường THCS Long Hòa vẫn bị cô lập vì chưa có đường bê tông; trong số 420 học sinh, có hơn 300 em phải đi học bằng đò. Nhưng những khó khăn này không ngăn được ý chí quyết tâm của thầy và trò của trường. Kể từ năm học 2005-2006 trở lại đây, tỷ lệ học sinh của trường bỏ học chỉ dao động từ 2%-4%; mỗi năm có từ 3-6 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Còn Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, trong vòng một năm, từ một ngôi trường tạm bợ, giao thông cách trở đã trở thành ngôi trường mới khang trang và được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đầu năm 2006, với nguồn vốn tài trợ, trường xây dựng cơ bản 10 phòng học, 8 phòng chức năng, khu hội trường… Trong năm, trường nhận khoảng 5,5 tỷ đồng để đầu tư vào các hạng mục. Thêm vào đó, con đường rộng 3,5m cũng được tỉnh đầu tư xây dựng. Cuối năm 2006, thầy cô, học sinh và nhân dân Khánh Bình Đông đã có được ngôi trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên. Đây là một vài điển hình về xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ những năm qua, đưa sự nghiệp “trồng người” của Cà Mau lên một tầm cao mới với nhiều thử thách mới. Hiện với gần 7.000 phòng học, Cà Mau đã xóa sổ tình trạng trường tạm bợ về cơ sở vật chất vùng nông thôn. Dự án xây nhà công vụ cho giáo viên cũng đang gấp rút triển khai với hàng trăm căn nhà để giải quyết cho những giáo viên có nhu cầu. 

PHẠM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục