Xây dựng và bảo vệ thương hiệu: Bài học từ Việt Sin

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu: Bài học từ Việt Sin

Sau 2 tháng dư luận đề cập nhiều đến trường hợp Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin, liên quan đến nội dung kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại công ty do Phòng Cảnh sát môi trường - Công an TPHCM thực hiện, vừa qua Việt Sin đã tổ chức họp báo để làm rõ.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Sin đã thừa nhận có mắc những sai sót nhỏ và đã tiếp thu, khắc phục ngay. Bà Tâm khẳng định sản phẩm của Việt Sin hoàn toàn đảm bảo an toàn thực phẩm và cho tới nay, sau 19 năm hoạt động, Việt Sin chưa để xảy ra bất cứ vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm trần tình tại buổi họp báo

Theo bà Tâm, Việt Sin đang thực hiện việc chuyển đổi mô hình từ TNHH sang cổ phần nên vướng phải lỗi là sử dụng bao bì, giấy xác nhận quy định an toàn thực phẩm theo tên công ty cũ. Đây chỉ là lỗi về khâu thủ tục hành chính, không hề liên quan đến chất lượng sản phẩm do Việt Sin sản xuất. Để tránh bị hiểu nhầm, Việt Sin đã cho thu hồi các sản phẩm đang dùng mẫu bao bì mang tên cũ của công ty, đồng thời thay đổi toàn bộ thông tin sang tên Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Sin trên các giấy tờ công bố.

Về 177kg hàng hết hạn sử dụng bị phát hiện, bà Tâm cũng khẳng định đây là hàng lưu kho và đã có cả hợp đồng chờ tiêu hủy, Việt Sin hoàn toàn không cho lưu hành ngoài thị trường. Đối với nguyên liệu ruột heo muối, do nhà cung cấp nhập hàng và kiểm nghiệm theo lô, nên khi bán lẻ theo từng đơn hàng không có giấy kiểm nghiệm cho từng đơn hàng lẻ. Việt Sin đã khắc phục bằng cách cho kiểm tra vi sinh và Trạm thú y Bình Tân thuộc Chi cục Thú y TPHCM đã cho phép sử dụng lô nguyên liệu này, có giấy kiểm nghiệm theo lô và cho từng đơn hàng lẻ. Đối với sản phẩm bò viên Merlion không có thịt bò mà chỉ có thịt trâu, đại diện Việt Sin cho rằng, do lô nguyên liệu thịt bò và thịt trâu để cạnh nhau trong kho nên trong quá trình sản xuất, nhân viên đã sử dụng nguyên liệu nhầm lẫn (?). Việt Sin xin nhận lỗi trong lô hàng này vì vấn đề quản lý có sai sót và đã cho tiêu hủy sản phẩm. Hiện công ty đã tách và lập kho riêng cho từng loại nguyên liệu…

Sau 19 năm thành lập, Việt Sin hiện sở hữu 116 nhãn hàng khác nhau,  trong đó đang cho lưu hành 60 sản phẩm chất lượng gắn liền với những sản phẩm thức ăn nhanh như cá viên, bò viên, chả giò, xúc xích xông khói, chả lụa, há cảo… Việt Sin là doanh nghiệp (DN) lớn trong ngành thực phẩm chế biến với quy mô 300 nhân viên. Các sản phẩm của Việt Sin đã thống lĩnh các xe đẩy, các điểm bán dày đặc tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác, cho thấy DN này đã phát triển khá tốt mảng thị trường và xây dựng thương hiệu. Đây là điều mà nhiều DN lớn đang phải chạy tốc lực mới có thể đạt được.

Do chưa có công bố cuối cùng của các cơ quan chức năng nên chúng tôi chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng với những gì DN này nói trong cuộc họp báo, có thể thấy Việt Sin chưa thực sự ý thức được sức mạnh cũng như tầm quan trọng của thương hiệu. Thể hiện rõ nhất là dù chuyển đổi từ công ty TNHH sang cổ phần, DN này vẫn tiếc số bao bì cũ, thay vì phải tiêu hủy. Theo đó, việc công bố thành phần trong sản phẩm trên bao bì cũng chưa được chú trọng đã làm cho người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, làm thiệt hại cho DN… Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa hàng nội với hàng nội, giữa hàng nội với hàng ngoại thì việc tập trung phát triển thương hiệu phải đi đôi với công tác đầu tư để không ngừng hoàn thiện chất lượng, làm mới sản phẩm. Với những gì đang diễn ra, Việt Sin đã trả giá khá đắt cho chính mình. Còn với nhiều DN, có thể xem đây là bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu. Chỉ cần một sai sót nhỏ hoặc không minh bạch về thành phần có thể ảnh hưởng đến uy tín hương hiệu. Hội nhập không còn đất cho những sản phẩm “hữu xạ tự nhiên hương”, mà thay vào đó sức mạnh của truyền thông có vai trò quyết định đến sự sống còn của sản phẩm, của DN.

THÁI NGUYỆT

Tin cùng chuyên mục