Sáng 19-8, tại Hội trường Thành phố, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và Trường Đại học Văn hóa TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Giá trị văn hóa tinh thần trong gia đình đô thị hiện nay” với sự tham gia của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà hoạt động xã hội… 40 tham luận đã tập trung đánh giá thực trạng, nguyên nhân làm biến đổi những giá trị văn hóa gia đình ở đô thị và đề xuất những giải pháp.
Quang cảnh buổi hội thảo
Nhận diện giá trị của gia đình truyền thống Việt Nam
Tiếp cận từ nhiều góc nhìn, hơn 10 tham luận đã phân tích những nét đẹp của văn hóa gia đình truyền thống Việt Nam như: Văn hóa ứng xử trong gia đình: Truyền thống, hiện đại và một số vấn đề cần quan tâm của TS Lê Thị Mỹ Hà; Phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam trong giáo dục đạo đức gia đình - một góc nhìn của nhóm tác giả Phan Đình Dũng, Nguyễn Thu Hà… Trong tham luận Văn hóa gia đình định hình nhân cách con người, Ths Nguyễn Thanh Tùng nhận định: Văn hóa gia đình của người Việt Nam được thể hiện cụ thể trong nếp sống sinh hoạt, trong suy nghĩ, tình cảm của mỗi thành viên trong gia đình. Văn hóa gia đình sẽ tạo cho mỗi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với những biến thiên của đời sống xã hội. Nó ngăn chặn sự thâm nhập tiêu cực của xã hội vào gia đình để bảo tồn, phát huy những giá trị của một gia đình văn hóa… Ở một góc nhìn mang tính thực tiễn, PGS - TS Trần Văn Ánh mở đầu tham luận bằng câu chuyện cụ thể về cuộc sống của người dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn nhất vẫn luôn giữ được lối sống nền nếp, gia phong, yêu thương và chia sẻ với cộng đồng. Theo ông: “Hệ thống gia đình truyền thống Việt Nam từ xa xưa đã là tế bào cơ bản của xã hội, một xã hội thuần nông có phong hóa, có gia phong được truyền từ đời này sang đời khác. Là sự phối hợp tuyệt vời của ba hệ thống giáo dục. Đó là giáo dục gia đình là cơ bản, giáo dục trường học là nòng cốt và giáo dục xã hội là đòn bẩy trong giáo dục nhân cách con người, giữa con người cá nhân với con người tập thể và con người cộng đồng”. (Tham luận Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa
Thực trạng của gia đình Việt Nam trong môi trường đô thị hiện nay là sự bức xúc và quan tâm của các nhà nghiên cứu được thể hiện qua các tham luận: Văn hóa gia đình - từ truyền thống đến hiện đại (Quản Thị Hoa); Một số biến đổi của văn hóa gia đình trong đời sống đô thị hiện nay (Nguyễn Thị Hương); Văn hóa gia đình ở đô thị trong bối cảnh toàn cầu hóa (PGS-TS Phạm Thanh Tâm); Những tác động của quá trình hội nhập đến văn hóa gia đình Việt Nam (Ths Hoàng Thị Ngân)…Theo Ths Nguyễn Hùng Khu:“Gia đình và văn hóa gia đình Việt Nam đang đứng trước những thách thức. Sự giao lưu mở cửa đã đem đến cho gia đình Việt Nam nhiều cơ hội, có điều kiện phát triển kinh tế, hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh các nước. Song bên cạnh những mặt tích cực đó, mặt trái của cơ chế thị trường cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nề nếp gia phong đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam…”. Có một góc nhìn nhiều chiều, PGS-TS Phan Xuân Biên (Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển) phân tích: Xã hội chúng ta đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập với thế giới nên gia đình Việt Nam cũng đang có những biến đổi đa dạng và nhiều chiều, các tích cực có, tiêu cực không nhiều nhưng khiến xã hội nhức nhối. Trong các gia đình, yếu tố vật chất tăng nhưng giá trị tinh thần lại giảm. Bếp ăn gia đình lạnh lẽo, mâm cơm chiều quây quần nhiều thế hệ ngày càng hiếm, sự liên kết giữa các thành viên gia đình ngày càng lỏng lẻo…
Phát triển bền vững
Tâm huyết, vừa mang tính lý luận và thực tiễn, nhiều tham luận lý giải, phân tích và đề xuất những giải pháp để khắc phục những mặt trái trong biến đổi của gia đình ở đô thị, phát huy những giá trị tích cực như: Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa gia đình trên địa bàn TPHCM, thực trạng và giải pháp (TS Trần Văn Thận); Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của văn hóa gia đình - Động lực phát triển gia đình tại TPHCM hiện nay (Ths Hoàng Hồng Hạnh); Tổng quan một số quan điểm, chính sách về gia đình hiện nay (TS Vũ Thị Phương)… Theo PGS - TS Tạ Văn Thành: Muốn xây dựng gia đình văn hóa thì phải có văn hóa gia đình. Văn hóa gia đình là sự ứng dụng những giá trị văn hóa phổ quát của xã hội vào gia đình như: Chân - Thiện - Mỹ. Trong đó có sự khoa học trong tổ chức gia đình, hiểu biết tâm lý, giáo dục để nuôi dạy con cái… Trong tham luận Về nếp sống văn hóa gia đình đô thị hiện đại PGS- TS Nguyễn Xuân Hồng gợi mở: “Văn hóa gia đình đô thị hiện nay vừa giữ được đậm chất văn hóa truyền thống dân tộc, vừa có tính tiện ích, tính thẩm mỹ cao, vừa thể hiện quan hệ dân chủ, bình đẳng và tôn trọng quyền con người. Vì vậy, xây dựng chuẩn mực trong nếp sống văn hóa gia đình đô thị là những tác nhân quan trọng góp phần thúc đẩy biến đổi văn hóa đô thị theo hướng văn minh…”.
| |
MINH THU