(SGGP).- Sáng 16-9, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị cán bộ nghe báo cáo chuyên đề “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TPHCM giai đoạn hội nhập”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua chủ trì hội nghị.
Báo cáo tóm tắt đề tài, TS Hồ Thiệu Hùng, thành viên nhóm thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TPHCM giai đoạn hội nhập” cho rằng: TPHCM có hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo, hệ thống thiết chế văn hóa phát triển, người dân hiếu học... là điều kiện thuận lợi để xây dựng xã hội học tập. Tuy nhiên, nhận thức của đội ngũ lãnh đạo các cấp, nhất là cơ sở về xã hội học tập còn yếu, ý thức học suốt đời chỉ có trong một số người.
TS Hồ Thiệu Hùng nêu ra 10 nghịch lý trong xây dựng xã hội học tập tại TPHCM, trong đó có những nội dung đáng chú ý: người khuyết tật đứng ngoài xã hội học tập; người trên 35 tuổi nằm ngoài diện xóa mù chữ; trường phổ thông đóng cổng đối với người lớn; trường đại học, dạy nghề đông về số lượng nhưng yếu về chất; đông nhạc công nhưng không có nhạc trưởng, không có người đứng ra lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng xã hội học tập. Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã đưa ra 9 nhóm giải pháp xây dựng xã hội học tập đến năm 2015. Trong đó, việc nâng cao nhận thức trước hết cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp là quan trọng nhất vì quyết định sự thành bại của việc xây dựng xã hội học tập.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Thân Thị Thư, khẳng định: Đề tài “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TPHCM giai đoạn hội nhập” đã nêu bật được tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời, học để biết phải trái, học để hành, học để làm người, để phụng sự nhân dân và nhân loại. Thường trực Thành ủy TP sẽ có văn bản chỉ đạo cụ thể hóa các kết quả nghiên cứu của đề tài nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng Hồ Chí Minh về học suốt đời, về xây dựng xã hội học tập.
H. HIỆP