(SGGP).– Ngày 21-2, huyện Bình Chánh tổng kết đề án thí điểm xây dựng xã Nông thôn mới Tân Nhựt.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Nhựt, sau 3 năm thực hiện Đề án thí điểm xây dựng xã nông thôn mới, giờ đây Tân Nhựt, một trong những xã nghèo nhất TPHCM đã hoàn thành 17/19 tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới, 2 tiêu chí còn lại là trường học và cơ sở vật chất văn hóa đã được khởi công năm 2012 và sẽ hoàn thành trong năm 2013. Tổng nguồn vốn được phê duyệt để xây dựng xã Nông thôn mới Tân Nhựt hơn 991 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 485 tỷ đồng, còn lại vốn do người dân và cộng đồng đóng góp, trong đó người dân đã hiến trên 100.000m² đất trị giá 74 tỷ đồng để mở đường.
Đến nay hệ thống 36 tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xã đã được tráng nhựa, bê tông. Thu nhập đầu người bình quân của người dân xã Tân Nhựt trước khi thực hiện đề án chỉ 12 triệu đồng/năm, nay đã tăng lên 24 triệu đồng/người/năm, cá biệt có nhiều trường hợp thu nhập 100 - 200 triệu đồng/người/năm.
Đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đạt được và nhìn nhận diện mạo nông thôn mới đã làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân Tân Nhựt, vốn là một trong những xã nghèo nhất của TPHCM trước đây. Tuy nhiên, cấp ủy và chính quyền sở tại không nên thỏa mãn với thành quả đó mà cần phát huy hơn nữa để đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đầu tư các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí môi trường ngày một tốt hơn, an ninh chính trị và trật tự xã hội ngày càng vững hơn. Chú ý đến việc nâng cao trình độ văn hóa, tay nghề để lao động nông thôn có việc làm ổn định, tay nghề vững chắc. Đạt được các tiêu chí Nông thôn mới đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đó để không tụt hậu lại càng khó hơn.
Sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, xã điểm Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết đã đạt 17/19 tiêu chí so với trước đó là 9 tiêu chí. 2 tiêu chí chưa đạt là trường học và chợ nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,8 triệu đồng/năm so với trước là 15 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo giảm hơn 3 lần từ 16,55% xuống còn 4,9%. Cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm lao động nông nghiệp, chỉ còn 5,97%, số còn lại chuyển sang làm việc ở các khu công nghiệp, các công ty trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất của người dân.
H.Thu - C.Phiên