“An cư lạc nghiệp” là thành ngữ gốc Hán đã được Việt hóa đến mức chẳng ai là người không hiểu. Làm nhà là một trong ba việc lớn nhất của đàn ông Việt. “Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà”. Nếu có chút dị đoan thì làm nhà hẳn là việc của riêng đàn ông. “Lấy vợ xem tuổi đàn bà, làm nhà xem tuổi đàn ông”. Đàn bà Việt muốn làm nhà thường phải mượn tên một đàn ông đáng tin cậy nào đó để mà gieo quẻ xin âm dương, làm lễ động thổ, cất nóc.
Nông thôn Việt có phong tục giúp nhau làm nhà. Đại khái hàng xóm láng giềng có việc làm nhà thường đến giúp đỡ không công. Chỉ cơm rượu ngày hai bữa là đủ. Nó hay ở chỗ tốn kém chẳng đáng là bao. Nhưng lại rất dở ở chỗ nó gần như một lối trả nợ đồng lần có đi có lại qua nhiều đời. Dở hơn nữa là nhiều khi các “ông thợ” hàng xóm tay nghề chỉ đủ để thi công cái chuồng heo nhưng nhiệt tình lại có thừa để xây cả cái nhà to. Lãng phí, hỏng hóc là điều khó tránh.
Hà Nội từ sau tiếp quản 1954 cho đến ngày giải phóng miền Nam hầu như không có khái niệm làm nhà tư nhân. Tất cả nguyên vật liệu, đất đai, nhân công đều nằm trong sự quản lý của nhà nước để xây ra những khu nhà tập thể Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Trung Tự, Trương Định… Đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng cũng hoàn toàn trong biên chế nhà nước. Không có ai được phép hành nghề tư nhân.
Cái thành phố cũ kỹ được xây dựng ít nhiều công trình mới mẻ hồi thuộc Pháp đã gồng mình lên trong suốt hơn ba mươi năm chiến tranh bao cấp để phục vụ nhu cầu ăn ở của thị dân. Đến những năm quãng 1980, chỗ ở của thị dân đã thật sự đáng báo động. Nó không chỉ thiếu do con người sinh sôi và nhập cư mà còn hư hỏng xuống cấp rất nhiều. Đã không có một luật lệ chính thức nào được ban hành nhưng dân phố vẫn phải dấm dúi cải tạo và xây dựng mới những chỗ ở nhom nhem của mình. Thế là hình thành một phong trào xây dựng chui. Ban đầu chỉ là những nhà cũ cơi nới thêm chiếc gác xép bằng gỗ thùng tháo ra từ những kiện hàng nước ngoài gửi về. Sau thì đến gác xép trong nhà được đổ bê tông và các ban công nhà gác được xây quây lại thành công trình phụ. Chính quyền biết nhưng bỏ qua vì phần lớn nhìn vào hoàn cảnh sinh hoạt của dân phố lúc ấy là dưới mức tối thiểu rất nhiều. Tất nhiên bỏ qua về mặt xây dựng nhưng vẫn kiểm soát vô cùng chặt chẽ phần nguyên vật liệu. Cụ thể là sắt thép và xi măng. Ai muốn sử dụng những vật liệu này đều phải có giấy phép mua của nhà nước để dùng vào mục đích sửa chỗ ở của mình. Cơ quan nào cấp giấy phép đều cử cán bộ đến tận nhà điều nghiên cẩn thận.
Nhưng vật liệu sửa nhà được cung cấp với số lượng rất tượng trưng. Muốn hoàn thành công trình buộc gia chủ phải bỏ thêm tiền mua ngoài thị trường tự do. Gọi là “thị trường tư do” cho giảm nhẹ căng thẳng thôi chứ thực ra thị trường sắt thép xi măng tự do phải đến đầu những năm 90 thế kỷ trước mới được phép ra đời. Trước đó, cái “thị trường tự do” ấy chính là toàn bộ đồ ăn cắp ở các công trường nhà nước. Vài cân sắt phi 6 cuộn chặt trong cặp lồng cơm công nhân tan tầm mang ra bán cho các hàng phế liệu ở Ô Chợ Dừa. Vài cân xi măng rời trong túi vải đựng đồ nghề mang bán cho hàng vôi ve Cát Linh. Những thứ này muốn mua nhiều phải dặn trước cửa hàng tích trữ. Cũng có lúc mua được sắt nguyên cuộn nhưng khâu vận chuyển hoàn toàn phải bí mật. Đại khái phải vùi cuộn sắt xuống dưới xe chở cát mang đến chân công trình vào lúc nhập nhoạng. Công nhân xây dựng chờ sẵn nhanh chóng duỗi cuộn thép cắt nhỏ ra thành phẩm ngay lập tức. Xây được cả một căn nhà bằng những vật liệu như thế có lẽ là một kỷ lục vĩnh viễn không bao giờ có thể lặp lại.
Sau 1990, dân phố bắt đầu được phép cải tạo và xây mới ngôi nhà của mình. Người ta ồ ạt phá nhà ra xây lại. Nhà ở phố thiết kế đơn giản. Chỉ cần có mặt bằng hợp công năng người sử dụng là chính. Mặt tiền chẳng to tát gì trang trí đơn sơ bằng những bộ cửa gỗ tự đóng. Những tốp thợ đá rửa từ Đà Nẵng kéo ra làm ngày đêm không hết việc. Đó là hình thức trang trí mặt tiền thời thượng và rẻ tiền nhất lúc bấy giờ.
Hơn hai mươi năm được tự do xây cất thì bây giờ câu chuyện đang diễn ra theo chiều ngược lại với thời chiến tranh. Nhẹ thì ông bán gas sơn đỏ, ông bán giày sơn đen toàn bộ ngôi nhà của mình. Nặng thì các đại gia tự ý cơi thêm vài tầng trên cao ốc để tăng diện tích sử dụng. Thành phố còn rất ít những dấu tích đã từng làm nên dáng vẻ êm đềm thơ mộng hàng ngàn năm của nó.
ĐỖ PHẤN