Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, TPHCM sẽ xây dựng 4.695 căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân, người thu nhập thấp… Nhưng hiện nay, việc xây dựng NƠXH không chỉ gặp khó khăn về vốn mà quỹ đất dành cho NƠXH cũng rất khan hiếm.
Mới giao 1ha
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, quỹ đất để xây dựng NƠXH trên địa bàn TP có từ 3 nguồn: trích 20% quỹ đất từ các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới có quy mô từ 10ha trở lên; từ quỹ đất công do nhà nước quản lý và quỹ đất TP quy hoạch xây dựng nhà lưu trú công nhân.
Tuy nhiên, hiện quỹ đất TP trực tiếp quản lý và quỹ đất kho bãi, nhà xưởng qua xử lý sắp xếp rất hạn chế. Còn quỹ đất từ các dự án hiện chưa được bao nhiêu.
Theo Sở Xây dựng, từ năm 2000 đến nay, sở đã duyệt 9 dự án phát triển nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên với tổng diện tích dự án gần 204ha, trong đó diện tích đất mà các nhà đầu tư phải trích để xây dựng NƠXH theo quy định là hơn 37ha. Tuy nhiên, đến nay, các nhà đầu tư chỉ mới giao chưa tới 1ha.
Trong 9 dự án trên, mới có dự án khu nhà ở phường Phú Hữu quận 9 do Công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Minh Sơn làm chủ đầu tư (CĐT), có hơn 13.000m² (20% quỹ đất của dự án) dành để xây dựng NƠXH đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, hoàn thành hệ thống cấp thoát nước, điện, chiếu sáng, cây xanh. Còn lại, dự án khu dân cư Cát Lái quận 2 do Công ty CP Xây dựng Sài Gòn làm CĐT, phải dành diện tích cho NƠXH là 31.000m² nhưng khu đất này mới giải phóng mặt bằng được 70%.
Dự án khu dân cư xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè do Công ty dịch vụ Công ích Nhà Bè làm CĐT, phải dành hơn 23.000m² để xây dựng NƠXH nhưng cũng mới hoàn tất phần giải phóng mặt bằng, đang thi công hệ thống cấp thoát nước, chưa có đường nội bộ và hệ thống chiếu sáng.
Dự án khu dân cư Hoàng Nam quận Tân Bình do Công ty TNHH Hoàng Nam làm CĐT phải dành hơn 9.300m² cho NƠXH cũng mới giải phóng mặt bằng, chưa có hạ tầng kỹ thuật. Dự án khu dân cư Thăng Long do Công ty CP Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng số 9 làm CĐT phải dành 34.000m² cho NƠXH nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện giải tỏa đền bù.
Dự án khu dân cư tại phường Phú Thuận quận 7 do Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt làm CĐT hiện đang làm thủ tục xác định vị trí quỹ đất 8.600m² dành cho NƠXH…
Đổi đất hoặc nộp tiền
Trước tình hình trên, Sở Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị TP một số cơ chế, biện pháp chế tài CĐT không chấp hành quy định, nhằm thúc đẩy sự tạo lập quỹ đất cho NƠXH. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, Luật Nhà ở không quy định về tỷ lệ đất dành cho NƠXH nhưng NĐ 90/CP trước đây và nay là NĐ 71/CP đưa ra quy định như vậy là nằm ngoài luật.
“Việc quy định cắt 20% quỹ đất đối với dự án 10ha khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn khi thực hiện dự án của mình. Các DN hoàn toàn có thể “lách” quy định này bằng cách xin giao đất nhỏ hơn 10 ha” - ông Châu nói.
Thực tế cho thấy, tại TPHCM có nhiều DN đã xin giao đất dưới diện tích phải thực nghĩa vụ đóng góp 20% quỹ đất cho NƠXH, cụ thể, một dự án gần cầu Thủ Thiêm đã triển khai dự án nhà ở thương mại với diện tích 9,9ha nhằm “né” quy định này.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cũng cho rằng, việc quy định dành 20% quỹ đất đã có hạ tầng cho NƠXH là quá lớn, trong khi chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu đất, DN chỉ được Nhà nước hoàn trả theo bảng giá đất hàng năm sẽ gây thiệt thòi cho DN. Hơn nữa, dự án nào cũng dành đất xây chen NƠXH vào thì cũng khó cho DN khi thực hiện dự án.
Thấy được những cái khó này, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP cho phép áp dụng cơ chế linh hoạt trong quy định dự án trên 10 ha phải trích 20% quỹ đất cho NƠXH. Theo đó, CĐT có thể lựa chọn các phương án: đóng tiền thay vì phải cắt 20% quỹ đất từ dự án để nhà nước đầu tư xây dựng NƠXH, có thể hoán đổi quỹ đất khác tương đương giá trị của phần đất phải đóng góp.
Theo Sở Xây dựng, nếu đề xuất này được chấp thuận sẽ tạo kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án kinh doanh một cách hiệu quả và Nhà nước cũng tạo ra được những khu NƠXH tập trung từ quỹ đất và kinh phí trên, không phải dùng đến ngân sách.
Hạnh Nhung