Xây nhà tạm chờ… đền bù

Ngay sau khi tỉnh Đắk Nông công bố quy hoạch Khu công nghiệp Nhân Cơ, hàng trăm ngôi nhà tạm ở xã Nhân Cơ (huyện Đắk Rlấp) được người dân đua nhau dựng lên để chờ nhận tiền đền bù. Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra bất lực trong việc quản lý và mập mờ trong khâu thẩm định, dẫn đến việc chi tiền bồi thường, hỗ trợ sai lệch, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.
Xây nhà tạm chờ… đền bù

Ngay sau khi tỉnh Đắk Nông công bố quy hoạch Khu công nghiệp Nhân Cơ, hàng trăm ngôi nhà tạm ở xã Nhân Cơ (huyện Đắk Rlấp) được người dân đua nhau dựng lên để chờ nhận tiền đền bù. Trong khi đó, chính quyền địa phương tỏ ra bất lực trong việc quản lý và mập mờ trong khâu thẩm định, dẫn đến việc chi tiền bồi thường, hỗ trợ sai lệch, gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

“Chung chi” để dựng nhà tạm?

Trong vai người đi mua nhà gỗ, chúng tôi tìm đến thôn 12, xã Nhân Cơ và chứng kiến rất nhiều nhà tạm bợ được dựng lên khắp nơi để chờ bồi thường. Ngay giữa ban ngày, ông N.V.V. và ông L.V.Đ. đang hì hục lắp ghép những tấm tôn rách nát cuối cùng lên mái để hoàn thành ngôi nhà nằm trên diện tích đất đã được quy hoạch xây dựng đường điện vận hành của Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân, thuộc Khu công nghiệp Nhân Cơ. Ông V. cho biết: “Căn nhà đang làm là của anh Đ., rộng khoảng 200m2, tôi nhận trọn gói tiền công 15 triệu đồng để dựng lên trong thời gian nhanh nhất”. Sau đó, ông V. “mai mối” cho chúng tôi khoảng 4 căn nhà gỗ đã nhận tiền bồi thường xong, đang cần bán và đặt vấn đề nhận khoán luôn phần làm nhà, riêng phần “chung chi” chủ nhà tự lo. Tiếp lời ông V., ông Đ. cho hay: “Các anh may mắn đã tìm đúng địa chỉ vì ông V. có đội quân làm nhà bồi thường rất chuyên nghiệp, hầu hết nhà tạm ở khu vực này đều do ông ấy làm, nhà tôi dựng lên chỉ mất 4 ngày thôi”. Chúng tôi thắc mắc vì sao công khai làm nhà trong khi đất đã quy hoạch và chính quyền địa phương không ngăn cản, cả ông Đ. và ông V. cho biết: “Việc dựng nhà tạm phải có tiền “lót tay”, số tiền phải chi tùy diện tích nhà lớn hoặc nhỏ mà có giá khác nhau”.

Rất nhiều nhà tạm bợ ở xã Nhân Cơ được dựng lên để chờ nhận tiền đền bù

Không riêng gì nhà ông Đ., ở thôn 12 có hàng trăm căn nhà được dựng lên để chờ bồi thường. Do làm vội nên tất cả những căn nhà này đều lụp xụp, tuềnh toàng, nhiều nhà làm xong nhưng bên trong cây cà phê, tiêu vẫn còn xanh tốt vì chưa kịp chặt bỏ. Một số nhà xây còn thơm mùi vôi vữa, nền được tráng xi măng rất sơ sài nên cỏ vẫn mọc, trần gỗ được cho là tầng hai của căn nhà cũng được gác ván tạm bợ, không hề có dấu hiệu của người vào ở. Thế nhưng, tất cả vẫn được Hội đồng thẩm định huyện Đắk Rlấp xác nhận là nhà ở và chi tiền bồi thường lên đến cả tỷ đồng mỗi căn.

Mập mờ thẩm định

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Hội đồng thẩm định xã Nhân Cơ, khẳng định: “Người dân bị mất đất có cơi nới, làm nhà để chờ bồi thường, nhưng chủ yếu diễn ra vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Nhưng cũng dễ nhận ra những căn nhà loại này vì không có bếp nấu ăn, vách ngăn phòng rất tạm bợ. Chúng tôi làm rất khoa học, đó là căn cứ trên các giấy tờ hợp pháp, phát phiếu lấy ý kiến của người dân, nhất là các hộ sống lâu năm trong vùng và thành lập đoàn thẩm định thực tế. Trong quá trình thẩm định bồi thường còn có sự tham gia của Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện, họ là đơn vị quyết định cuối cùng chứ không phải UBND xã Nhân Cơ. Tất cả đều làm đúng quy trình rất chặt chẽ, không thể có sai sót xảy ra”. Nhưng ông Thành lại thừa nhận, trong quá trình thực hiện, người dân đã có đơn khiếu kiện và phát hiện một số trường hợp không đúng nên chuyển công an điều tra xác minh, hiện đang tạm dừng chi tiền.

Trong khi ông Thành khẳng định không khó để nhận ra những căn nhà tạm với mục đích rút ruột tiền ngân sách, nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Tại dự án đường dẫn vào Nhà máy điện phân nhôm Trần Hồng Quân (giai đoạn 3), với diện tích đất thu hồi khoảng 24ha nhưng tổng số tiền bồi thường đã lên đến hơn 50 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường cho những căn nhà tạm chiếm gần 2/3. Như vậy, bình quân mỗi hécta đất, Nhà nước phải bồi thường gần 2 tỷ đồng. Trong tổng số 75 hộ dân được bồi thường cây trồng, đất, vật kiến trúc… có hộ được bồi thường riêng phần nhà tạm lên đến gần 2 tỷ đồng. Còn ông Lê Đình Sáu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đắk Rlấp, cũng khẳng định: “Tất cả đều làm đúng quy trình, nếu có sai là do xác nhận của địa phương. Vì chúng tôi thẩm định, chi tiền bồi thường hoàn toàn căn cứ vào hồ sơ do địa phương xác nhận”.

Từ phản ánh của phóng viên, sau khi kiểm tra thực tế, ông Lê Quang Trường, Chủ tịch UBND xã Nhân Cơ, khẳng định: “Chỉ bằng mắt thường cũng nhận ra ngay những căn nhà này làm để chờ bồi thường. Do quá tin tưởng vào cấp dưới, thiếu kiểm tra giám sát nên có xảy ra sai sót. Xã sẽ đề xuất huyện chỉ đạo cơ quan công an vào cuộc điều tra, xử lý đối với những trường hợp vi phạm”. Cũng theo ông Trường, vào thời điểm năm 2006 (khi ông Trường làm Trưởng Công an xã Nhân Cơ - PV), ông có đi cùng đoàn thống kê, khảo sát vật kiến trúc, hoa màu... thuộc dự án quy hoạch Khu công nghiệp Nhân Cơ thì thôn 12 chỉ có 4 hộ dân sinh sống. Vì thế, việc xác nhận cho rất nhiều hộ dân có nhà xây dựng trước năm 2006 và trước thời điểm tách tỉnh Đắk Nông năm 2004 là không đúng

Thanh Tâm

Tin cùng chuyên mục