Xây tường thành giải phóng

Chiến tranh luôn đồng nghĩa với hy sinh và mất mát. Cách đây 36 năm, vào cái đêm dừng chân ở ấp Tân Quý, bên kia cầu Tham Lương, ông Ba Kiên và đồng đội đã thầm nghĩ như vậy. Hy sinh để làm nên viên gạch xây bức tường thành giải phóng. Mọi việc cho sự ra đi trong chính nghĩa đã được các giải phóng quân chuẩn bị rất nhẹ nhàng và chu đáo.
Xây tường thành giải phóng

Chiến tranh luôn đồng nghĩa với hy sinh và mất mát. Cách đây 36 năm, vào cái đêm dừng chân ở ấp Tân Quý, bên kia cầu Tham Lương, ông Ba Kiên và đồng đội đã thầm nghĩ như vậy. Hy sinh để làm nên viên gạch xây bức tường thành giải phóng. Mọi việc cho sự ra đi trong chính nghĩa đã được các giải phóng quân chuẩn bị rất nhẹ nhàng và chu đáo.

Tín vật chia tay

Cuối tháng 12-1974 đến đầu năm 1975, quân giải phóng đã tấn công và làm chủ tỉnh Phước Long. Chiến thắng Phước Long đã tạo điều kiện cho quân giải phóng mở thông được hành lang chiến lược từ miền Trung nối liền với Lộc Ninh và các căn cứ khác tại miền Đông Nam bộ; nối liền các vùng chiếm đóng với các căn cứ từng bị cô lập dọc tuyến quốc lộ 1A. Quân địch bị căng kéo và không thể chi viện cho nhau.

Thượng tướng Phan Trung Kiên chúc mừng các tân binh thuộc lực lượng vũ trang TPHCM

Thượng tướng Phan Trung Kiên chúc mừng các tân binh thuộc lực lượng vũ trang TPHCM

Ông Ba Kiên (tên thân mật của Anh hùng LLVT nhân dân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Phan Trung Kiên) tâm sự: “Sau chiến thắng chi khu Phước Bình, trận Phước Long, tôi đã đoán được tình hình kháng chiến đến hồi kết thúc. Kể từ khi Hiệp định Paris được ký kết là Mỹ đã biết thua rồi. Nhưng, thua như thế nào đây. Đầu năm 1975, tôi đang học ở Trường H14 (Quân chính B2), nhà trường cử cán bộ lấy ý kiến. Tôi trình bày các hướng tấn công và kết luận đây là thời cơ tốt nhất. Nghe xong phần trình bày của tôi, ông Lê Xuân Lựu, Giám đốc nhà trường nhận định, nếu cậu tham gia trận này, cậu sẽ góp phần lập công. Nói thật tinh thần của anh em tụi tôi lúc đó rất háo hức, chỉ muốn mau kết thúc lớp học để trở ra chiến trường”.

Ông Ba Kiên khá may mắn. Lớp học được kết thúc trước 3 tháng và những học viên tác chiến, chỉ huy như ông Ba Kiên được lệnh điều động trở ra chiến trường. Ông Ba Kiên tâm sự: “Tôi không hình dung cuộc chiến trước mắt ra sao cả nhưng chắc chắn là khốc liệt và tổn thất là điều không tránh khỏi. Do vậy, trước khi nhận nhiệm vụ, đêm đó tôi đã tranh thủ gặp người yêu. Tôi lấy 2 chỉ vàng mà bà ngoại tôi cho đưa cho người yêu của mình để làm tín vật. Tôi đi nhận nhiệm vụ với hành trang đơn giản, nhẹ nhàng nhưng sâu nặng nghĩa tình. Đó là 2 bộ đồ, võng, chiếc khăn rằn mà người yêu của tôi trao tặng”.

“Chiêu” hàng

Chiều hôm sau, ông Ba Kiên được lệnh nhận nhiệm vụ. “Gặp tôi, các anh chỉ huy hỏi tôi biết đường vào sân bay Tân Sơn Nhất hay Dinh Độc Lập không? Tôi trả lời sân bay thì tôi khá rành. Vậy là các anh giao cho tôi nhiệm vụ giải phóng Đồn Trường học ở Đức Lập Hạ, rồi tiếp đó là Đồn Giồng Dầu ở Mỹ Hạnh Bắc để mở đường cho quân chủ lực. Sau khi chiếm các đồn nêu trên thì tiếp tục qua đường số 9, rừng Bà Dụ đánh chiếm Đồn Nhà Tô, Phân chi khu Xuân Thới Thượng, một phần Xuân Thới Sơn. Bằng mọi giá, chúng tôi phải đón đánh ngụy quân tháo chạy và không cho chúng qua kênh Thầy Cai. Sau đó, cùng Binh đoàn 232 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, giải phóng Sài Gòn” - ông kể.

Chiến trận ác liệt. Đêm dừng quân ở ấp Tân Quý, bên kia cầu Tham Lương, ông Ba Kiên và đồng đội đã thầm nghĩ mình hy sinh để làm viên gạch xây bức tường thành giải phóng. Ông Ba Kiên nhớ lại: “Tại buổi họp giao ban buổi chiều, anh em hội ý với tôi việc tổ chức liên hoan, ăn mừng chiến thắng trước. Tôi đồng ý ngay và đưa số tiền 2.000 đồng để anh em đi mua mì tôm, cà phê, thuốc lá… về liên hoan”.

3 giờ 40 phút ngày 29-4, đơn vị của ông Ba Kiên nổ súng tấn công Phân chi khu Xuân Thới Thượng. Địch kháng cự quyết liệt và chạy vào Đồn Nhà Tô cố thủ. Đơn vị tiếp tục vây ép, dùng loa kêu gọi địch đầu hàng. Bọn biệt động quân thoát ra, lọt vào trận địa phục kích của ta và bị tiêu diệt gần hết. Trận đánh kết thúc lúc 14 giờ 40 phút hôm đó, ta làm chủ hoàn toàn khu vực. Đơn vị tiếp tục truy kích gọi hàng.

Ông cười, kể tiếp: “Tại đây tôi đã trực tiếp hỏi cung 1 trung úy tù binh. Tên trung úy này biết tần số của Đại tá Tôn Thất Soạn, Tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa. Tôi thuyết phục và anh ta đồng ý gọi điện cho đại tá Soạn. Gọi nhiều lần thì tên đại tá trực tiếp nhận máy. Lúc đó tôi mới có 28 tuổi, đang chỉ huy một cánh quân nhưng nếu nó biết vậy thì làm sao đồng ý đầu hàng. Vậy là tôi phải “hù” là Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đang ở đây (mãi sau này tôi mới biết là tướng Trần Văn Trà, Chỉ huy chiến dịch đang ở gần đó) và yêu cầu các anh nhanh chóng về với cách mạng. Đại tá Soạn xin tôi 30 phút để suy nghĩ. Tôi không đồng ý vì chúng tôi sẽ hành quân thần tốc. Ông ta xin 10 phút nhưng 5 phút sau thì gọi điện lại đồng ý ra hàng. Đầu hàng bằng cách nào đây? Hồi nào đến giờ mình có học cái vụ này đâu, nên tôi bắt chước chiến dịch Điện Biên Phủ và yêu cầu bọn địch kéo cờ trắng đầu hàng. Bên địch hỏi tiếp cách thức nộp quân trang, quân dụng cho giải phóng. Đến lúc đó tôi mới nhớ là mình đã quên cái vụ vũ khí, nên yêu cầu địch gom vũ khí trên ruộng, rồi xếp hàng đi thẳng ra cầu Lớn có người đón. Từ đại úy trở lên thì đi thẳng ra đường, trung úy trở xuống thì ngồi tại chỗ…”.

Và chỉ với “chiêu” đó, ông Ba Kiên và đồng đội đã không tốn một viên đạn gọi hàng 1.860 tên địch của Chiến đoàn 46, Sư đoàn 25 đang trốn dưới đồng bưng An Hạ, trong đó có tên đại tá Tôn Thất Soạn, Tỉnh trưởng tỉnh Hậu Nghĩa và toàn Ban chỉ huy Chiến đoàn 46.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục