1. Lâu lắm tôi mới đi xe đạp. Ở thành phố chắc nhiều người giống như tôi: từ ngày sắm được xe gắn máy rồi, chẳng ai buồn đi xe đạp nữa. Cũng như người đã sắm được xe đạp chẳng còn thích... đi bộ, trừ những lúc bước ra đầu hẻm hay quán nước gần nhà uống ly cà phê hay mua dăm điếu thuốc.
Xe là phương tiện di chuyển. Bao giờ con người ta cũng chuộng thứ gì giúp cho mình đi nhanh hơn, ít tốn sức hơn và tiết kiệm thì giờ hơn. Đó là lý do Baron Karl von Drais phát minh ra xe đạp vào đầu thế kỷ 19 và 70 năm sau đến lượt Gottlieb Daimler và Wilhelm Maybach phát minh ra chiếc xe gắn máy đầu tiên. Lần lượt, theo đà tiến bộ của khoa học và sự phiêu lưu không mệt mỏi của trí tưởng tượng, con người chế tạo ra xe ô tô, rồi tàu thủy đi dưới nước, máy bay đi trên không, thậm chí phi thuyền bay tuốt lên mặt trăng, sao Hỏa...
Ở thôn quê, xe đạp hiện nay vẫn được sử dụng nhiều chứ ở các thành phố lớn, người còn đạp pêđan bằng chân ngày càng ít. Với những người như anh bạn cho tôi mượn xe chạy vòng vèo trong con hẻm nhỏ chiều hôm qua, thì chiếc xe đã chuyển mục đích sử dụng mất rồi: bây giờ thị dân đạp xe là để rèn luyện thân thể - mục đích thể thao từ lâu đã thế chỗ mục đích di chuyển. Người thành phố ít hoạt động, nhất là những ai làm việc văn phòng, thỉnh thoảng lôi chiếc xe đạp chạy tới chạy lui cho giãn gân cốt rõ ràng là một nhu cầu có thật.
2. Năm 1973, mới chân ướt chân ráo vào Sài Gòn học đại học, thứ đầu tiên tôi cần sắm là... một chiếc xe đạp. Đó cũng là mơ ước tột bậc của bất cứ sinh viên nào đến từ tỉnh lẻ. Không có xe, tôi phải cuốc bộ từ căn nhà trọ ở đường Hòa Hảo đến Trường Đại học Sư phạm ở đường Cộng Hòa (nay là đường Nguyễn Văn Cừ) mất gần một tiếng đồng hồ ròng rã. Có xe đạp, không những đỡ mỏi chân mà mỗi buổi sáng tôi có thể nằm quấn chăn trên gác trọ mơ màng thêm ba mươi phút để đầu óc lãng đãng chập chờn trong âm nhạc Mạnh Phát Gác lạnh về khuya cơn gió lùa/ Trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa/ Nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt/ Lá vàng nhẹ nhẹ đưa... (Mở ngoặc nói thêm: Lớp tôi học hồi đó khoảng năm mươi học sinh, chỉ có một bạn nữ chạy Honda PC, một bạn nam thỉnh thoảng chạy Honda dame. Còn lại, toàn đi xe đạp).
Sau 1975, các khoa tự nhiên của Trường Đại học Sư phạm vẫn học ở cơ sở cũ. Riêng các khoa xã hội dời xuống Trường Đại học Vạn Hạnh, đã thành cơ sở 2 của Trường Đại học Sư phạm, nằm dưới chân cầu Trương Minh Giảng. Lúc này kinh tế khó khăn, tôi đành bán chiếc xe đạp bảo bối để trả nợ áo cơm. Mỗi ngày đi học, tôi phải đón xe buýt ở đường Nguyễn Tri Phương, đứng chen chúc như cá hộp trong thùng xe chật ních người để đến trường và buổi chiều tự hành xác theo chiều ngược lại. Trong thời gian đó, nếu Bụt hiện lên hỏi tôi muốn gì, chắc chắn tôi sẽ xin Bụt... một chiếc xe đạp. Tôi không xin Bụt xe gắn máy không phải vì tôi không ham mà vì thời đó hầu hết xe gắn máy còn lại từ trước 1975 đều phải “trùm mền” vì không có xăng.
3. Năm 1978, tôi đưa gia đình đi kinh tế mới từ Quảng Nam vô Lâm Đồng. Từ thị xã Bảo Lộc tới xã Lộc Nga, nơi gia đình tôi định cư, khoảng 10 cây số, lại lên đèo xuống dốc liên tục, thế mà ngày nào tôi cũng cuốc bộ đến lè lưỡi. Tới nhà người quen mượn chiếc xe đạp thật khó hơn hỏi mượn sao trên trời. Vì lúc đó xe đạp là thứ vô cùng quý hiếm, không phải người ta nghĩ mình xấu nhưng sợ mình làm hỏng hoặc sơ sểnh bị kẻ gian đánh cắp. Có lần được một người bạn cho mượn chiếc xe đạp cà tàng chạy một ngày, xe tuột xích liên tục, vừa đạp vừa sửa, leo lên leo xuống mướt mồ hôi, nhưng chỉ vậy cũng đủ làm tôi hân hoan sung sướng vô bờ.
Năm 1980, tôi mới mua được chiếc xe đạp đầu tiên sau năm năm lết bộ đến mòn chân, do bạn tôi thương tình nhượng lại và tôi phải trả góp cả gần nửa năm trời mới hết. Ngày nhận xe từ tay bạn, thật sướng còn hơn trúng số độc đắc.
4. Vậy mà chiếc xe đạp, vật quý hiếm một thời đó, bây giờ đa số cư dân thành phố chẳng còn tha thiết nữa. Với nhiều người, nó đã được đưa vào viện bảo tàng của ký ức. Chỉ có học trò còn đi xe đạp, chủ yếu do Luật Giao thông đường bộ cấm trẻ em dưới 18 tuổi lái xe gắn máy trên 50 phân khối. Nhớ hồi quy định này mới ban hành, Sài Gòn rộ lên phong trào đi xe đạp điện. Xe đạp điện cũng như xe máy, vì không phải... đạp, mặc dù tên ghi trong khai sinh của nó là “xe đạp”, chỉ gắn thêm chữ “điện” phía sau. Trẻ em vị thành niên đi xe đạp điện có thể ung dung lượn qua trước mắt cảnh sát giao thông nhưng không thể vượt qua được sự bất tiện của nó. Chuyện xạc điện mỗi ngày đã khó nhớ, nhà ở chung cư lại phải vác xe lên xuống vì bãi gửi xe không có sẵn ổ điện dùng cho việc này. Chưa kể xe đạp điện mà chạy ngoài trời mưa rất hay bị chết máy. Vì những lý do đó, phong trào xe đạp điện nổ ra một thời gian ngắn rồi nhanh chóng... “tắt điện”.
5. Vậy chiếc xe đạp sẽ tiêu vong trước đà tiến bộ của xã hội? Không hẳn! Một quốc gia phát triển như Hà Lan vẫn tự hào là quốc gia nhiều xe đạp nhất thế giới đó thôi, thậm chí đất nước này còn được ca ngợi là “thiên đường của xe đạp”. Tới Amsterdam hoặc Hague, khách du lịch chắc chắn sẽ trố mắt trước những quảng trường san sát xe đạp. Bãi gửi xe gắn máy ở Việt Nam, bãi gửi xe ô tô ở Mỹ đông nghẹt thế nào thì các bãi gửi xe đạp ở Hà Lan cũng “hoành tráng” y như thế.
Mỹ là quốc gia chủ yếu sử dụng ô tô vì hệ thống đường cao tốc chằng chịt và vì lãnh thổ Mỹ rộng mênh mông, từ nhà đến sở làm hay đến siêu thị thường cách nhau rất xa. Chính phủ Mỹ có lẽ sợ dân mình ngồi ô tô nhiều quá sinh ra béo phì nên thường bố trí các bãi xe đạp ở nơi công cộng. Công dân Mỹ có thể tới bãi mượn xe miễn phí để chạy lòng vòng, chạy cả ngày hay cả tuần cũng được, tất nhiên không được... chạy luôn. Ở Pháp cũng có những bãi xe đạp với hình thức và mục đích tương tự, đặt ở khắp nơi, mượn ở nơi này có thể đem trả ở nơi kia. Ví dụ bạn mượn xe ở bãi Bình Chánh chạy long nhong thỏa thích và cuối ngày trả xe tại bãi Thủ Đức cũng không sao.
Do điều kiện khác biệt, giao thông ở các thành phố lớn Việt Nam sẽ không thể giống Hà Lan, cũng không thể giống Mỹ. Trong tương lai, Sài Gòn có lẽ sẽ học theo Paris hay Stockholm: cư dân đi lại trong nội thành bằng xe buýt, tàu lửa, tàu điện và tàu điện ngầm. Lúc đó, hình ảnh chiếc xe đạp chắc sẽ được “tôn vinh” ở các quảng trường, nơi các đôi tình nhân trẻ có thể chở nhau bằng loại xe đạp công cộng này lang thang trong mưa trong nắng và nhạc sĩ Ngọc Lễ có thể viết thêm vài ca khúc lãng mạn kiểu Xe đạp ơi mà không cần phải than thở “tình nghèo” như một thời khốn khó!
NGUYỄN NHẬT ÁNH