Xe lôi “hấp hối”!

Khoảng 1.000 xe lôi (có đăng ký và chạy chui) ở TP Cần Thơ đang “dở sống dở chết” trước việc siết chặt phạm vi hoạt động, nhưng chậm thực hiện hỗ trợ của các ngành chức năng. Đời sống của hàng ngàn người sống nhờ vào xe lôi đang khó khăn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, do không được đầu tư đúng mức, lực lượng xe buýt ở TP Cần Thơ đang quá tải, nhất là các tuyến ra vào trung tâm…

Đầu năm 2004, chủ trương cấm xe lôi bắt đầu thực hiện và phạm vi hoạt động của loại phương tiện này ngày càng thu hẹp. Đến ngày 1-7, khi lệnh cấm hoàn toàn xe lôi (trước đây cho chạy từ 5 giờ tối đến 5 giờ sáng) trên các tuyến quốc lộ qua TP Cần Thơ (khoảng 100 km) và một số tuyến đường nội ô có hiệu lực, gần như đồng nghĩa với việc xóa bỏ loại phương tiện này.

Vì chén cơm manh áo, những người hành nghề xe lôi đành bất chấp lệnh cấm, phổ biến nhất là vào sáng sớm, chiều tối và suốt đêm. 17 giờ chiều, ông Nguyễn Văn Hòa ở đường Trần Ngọc Quế đưa “cần câu cơm” của gia đình (5 miệng ăn) đến ngã tư Phan Đình Phùng-Nguyễn An Ninh, bắt đầu làm việc. “Hai mươi hai năm trong nghề, chưa lúc nào như thế này. Đường cấm ngày một nhiều, cả ngày chỉ kiếm 30.000-40.000 đồng, tạm lo cơm gạo cho gia đình. Trước kia đường Nguyễn Trãi cấm theo giờ nhưng nay cấm toàn bộ… ” -ông Hòa than vãn.

Trong khi đó, dân chạy xe lôi ở Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cái Răng càng khốn khó hơn khi bị cấm lưu thông tuyến quốc lộ. Lâu nay cuộc sống của gia đình họ chủ yếu dựa vào quốc lộ 1A và 91. Ở những nơi này, thị trấn nhỏ như “lòng bàn tay”, rất ít khách thuê chở hàng. Dân xe lôi cho biết, xe nào có đăng ký cũng phải đóng thuế môn bài, bảo hiểm, phí quản lý, bến bãi… 400.000-500.000 đồng/năm. Cấm thì họ đồng tình nhưng biết lấy gì nuôi gia đình khi trong tay không có tiền, không có việc làm khác.

Chủ trương cấm xe lôi của TP Cần Thơ đã có hiệu lực thực hiện nửa tháng nay. Nhưng chính sách hỗ trợ cho người chạy xe lôi hiện vẫn chỉ mang tính hình thức. Tháng 6-2004, khi chủ trương này được ban hành, các cơ quan, ban, ngành có nhiều đóng góp cho đề án, trong đó có những chính sách nhằm hỗ trợ cho người chạy xe lôi, xe ba gác chuyển đổi nghề như mở lớp học lái xe ô tô hạng B2, lớp lái xe công trình, lớp đào tạo thuyền trưởng tàu sông hạng 3, đào tạo công nhân cầu đường miễn phí… Nhưng do hầu hết những người chạy xe lôi đều lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp, rất khó đáp ứng yêu cầu của các lớp học. Bên cạnh đó, thời gian học quá dài, những người này lại là lao động chính trong gia đình. Trong 40 người may mắn có đủ điều kiện học lớp lái xe ô tô hạng B2 thì chỉ có khoảng 4-5 người xin được việc làm. Những lớp học cầu đường, lái xe công trình... thì không có một thống kê chính thức nào về số người đã học có việc làm.

Bình Đại

Tin cùng chuyên mục