
“Xin cảm ơn các thành viên trong đội tài xế 3 bánh đã đồng hành cùng dự án nhân văn này. Chúng tôi mong muốn cùng các bạn hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam hòa nhập cộng đồng”. Đó là chia sẻ của ông Yang Won Tae, Chủ tịch Diễn đàn Quyền của người khuyết tật Hàn Quốc.

Tài xế và khách trên những xe ôm 3 bánh.
Miễn phí
Tôi gọi vào số điện thoại hot line 0935244123 đề ra nhu cầu: “Có đứa em bại liệt phải đưa đi học từ quận 5 đến Bình Thạnh (TPHCM), nhà neo người quá, nghe nói có xe ôm 3 bánh chuyên chở, có thể nào hỗ trợ được không?”. Đầu dây bên kia, giọng phụ nữ nhỏ nhẹ: “Thưa anh, từ nay đến cuối năm 2013, dự án của chúng em chỉ chở free (miễn phí) cho các bạn học sinh sinh viên khuyết tật, người khuyết tật cần đi khám bệnh và đi làm xa thôi. Nếu hoàn cảnh gia đình anh đúng như vậy, 6 giờ sáng mai, sẽ có xe đến đón!”.
Người bạn trà dư tửu hậu ngồi kề bên, phán: “Ối, bây giờ làm gì có chuyện miễn phí. Chỉ là “pi a” (PR) ban đầu thôi!”.
Sáng còn mù sương. Chiếc Honda Wave RSX đời 2012 đỗ xịch. Loại xe này trên thị trường hiện có giá 21,2 triệu đồng/chiếc, chưa tính kinh phí gắn thêm 2 bánh sau và hộp số de, thắng tay hai bên, ngót nghét 30 triệu đồng/chiếc. Đây cũng là dòng xe được nhiều người ưa thích bởi tiện dụng, ít tốn nhiên liệu và đẹp. Tôi kiểm đếm trong bộ nhớ của mình, thấy rằng chưa có vị xe ôm nào ở TPHCM dùng xe này đi “câu cơm”.
Tài xế gài số de tận thềm nhà, chống… nạng bước xuống, anh là một thanh niên khuyết tật. Giúp khách hàng lên xe xong, tài xế và tôi giúp treo luôn cái xe lăn tay của khách hàng lên phía sau xe ôm 3 bánh. Thì ra, những người làm dự án xe ôm đặc biệt này còn nắm bắt và thấu hiểu nhu cầu của những người cùng cảnh ngộ. Từ trường đại học gần cầu Bình Triệu, khách hàng gọi điện thoại về nhà, báo: “Đúng rồi anh ơi, họ không tính tiền xe, còn hỏi giờ nào em tan học để đón về nữa. Anh an tâm nha!”.
Hèn chi mà Trương Huy Vũ, người điều phối đội xe đặc biệt đã vui mừng thông báo: “Sau 3 tuần khởi động Dịch vụ Hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật (từ 27-6-2013 đến nay), con số khách hàng đã tăng theo tuần từ 53 đến 66 rồi 99 lượt khách. Chắc chắn con số này sẽ nhân lên nhiều theo thời gian”.
Dự án nhân văn
Người tài xế tên Phạm Như Ý, 26 tuổi, quê quán Phú Yên, bị bại liệt 2 chân từ nhỏ, có thâm niên bán vé số ở Sài Gòn ngót 10 năm nay. Giã từ nghề cũ, anh Ý rất hoan hỉ với công việc mới là đưa đón 2 sinh viên và 3 công nhân khuyết tật đi học, đi làm. Từ ngày làm tài xế, Ý đã thôi không còn đội nắng dầm mưa, không còn hồi hộp mỗi khi vé số ế, chẳng còn nỗi lo bị đói bởi với mức lương 3 triệu đồng/tháng, Ý đủ tiền thuê nhà và chi tiêu hàng ngày. Lại thêm việc được hỗ trợ tiền cước điện thoại 200.000 đồng/tháng nên Ý hoạt động rất linh hoạt, đón trả khách không hề sai giờ. Khách đi xe cũng vui vì được phục vụ miễn phí, mà Ý cũng tự hào vì sức lao động của mình được trân trọng.
Cũng như Ý, Nguyễn Phương Định có một cơ thể không lành. Người đàn ông 38 tuổi này điều khiển xe 3 bánh vô cùng thiện nghệ, lại khá rành lối ngang, hẻm tắt của Sài Gòn vốn dĩ hay kẹt xe. Mỗi khi nhận điện từ tổng đài, anh cho xe đến điểm hẹn đón rước chuyên nghiệp trước con mắt ngưỡng mộ của đồng nghiệp 2 bánh. “Cái hay của xe ôm 3 bánh là đi đến đâu, cũng được “ưu ái” nhường đường nên tôi thường chở bệnh nhân khuyết tật đi khám bệnh và được nhiều khách quý mến, đồng nghiệp giúp đỡ. Tôi thấy mình tuy khuyết tật nhưng rất có ích, dù công việc tôi làm cũng nhỏ thôi”.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi còn bất ngờ khi biết dự án có thêm những người trẻ hoàn toàn lành lặn cũng tham gia để “học cách làm người”. Sinh viên Lê Văn Nam (vừa tốt nghiệp Khoa Công tác xã hội Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) chia sẻ: “Làm xe ôm, em vừa đủ chi phí học hành, lại vừa có cơ hội cọ xát thực tế ngành đang học”. Quệt mồ hôi giữa trưa nắng nóng, một tài xế khác tên Trần Minh Trí bày tỏ: “Vợ sắp cưới của em phải đi xe lăn sau một tai nạn giao thông nên em rất cảm thông. Tham gia dự án, em cũng muốn tích cóp để tháng 9-2013 làm một lễ cưới nho nhỏ. Đám cưới của em sẽ có nhiều khách mời, đồng nghiệp là người cùng cảnh với bà xã”.
“Luật Người khuyết tật Việt Nam ra đời năm 2011, nhấn mạnh sự bình đẳng. Song, do nhiều nguyên nhân, cơ hội sử dụng các dịch vụ và tham gia đầy đủ vào các hoạt động xã hội của người khuyết tật còn nhiều hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là người khuyết tật không dễ tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng”, Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực người khuyết tật (Liên hiệp Các Hội KHKT Việt Nam), tâm sự.
Bà Yến là một người khuyết tật và cũng là người có ý tưởng xây dựng dự án Dịch vụ hỗ trợ di chuyển cho người khuyết tật (Motobike - taxi) miễn phí, với sự tài trợ của Tổ chức Koica (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc) thông qua Diễn đàn Quyền của người khuyết tật Hàn Quốc (Able Forum).
Theo dự án, từ nay đến hết năm 2013, người khuyết tật sẽ được phục vụ miễn phí, sau đó sẽ tính giá rẻ. Hiện do chưa có nhiều kinh phí nên dự án chỉ mới sắm 10 xe, tuyển 6 tài xế. Khách hàng được phục vụ từ 6 giờ 30 – 18 giờ trong ngày. 10 xe ôm 3 bánh ban đầu tham gia đưa đón khách đều có tựa lưng cao 40cm, có đai an toàn ở bụng và khung có thể treo xe lăn, nạng. Anh Trương Huy Vũ hào hứng nói: “Trong 10 xe, 2 chiếc có phần tựa lưng cao 65cm có thể chở những người liệt tứ chi hoặc bại não; 5 chiếc có hộp số lùi, gài số bằng tay, thắng sau và thắng trước đều dùng bằng tay thuận tiện và an toàn cho các bạn tài xế khuyết tật. Đội xe cũng được trang bị nón bảo hiểm đảm bảo chất lượng”.
Trên Able Forum, ông Yang Won Tae, Chủ tịch Diễn đàn Quyền của người khuyết tật Hàn Quốc, phát biểu: “Xin cảm ơn các thành viên trong đội tài xế đã đồng hành cùng dự án nhân văn này. Chúng tôi mong muốn cùng các bạn hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam hòa nhập cộng đồng”.
MINH ANH