Vừa qua, mưa lớn kéo dài suốt ngày đã làm ngập một số tuyến đường trên khu vực TPHCM, có nhiều nơi ngập sâu 30-40cm, làm cho nhiều xe gắn máy bị tắt máy, ùn tắc giao thông. Trong những tình huống này bạn sẽ xử lý thế nào? Sau đây là một vài kinh nghiệm khi xe bị ngập nước.
Tốt nhất, bạn nên tránh chạy xe vào đường ngập nước. Nếu bắt buộc phải đi qua một đoạn đường ngắn ngập nước, bạn cố gắng giữ không cho xe tắt máy bằng cách sang số 1, vặn ga lớn. Sau khi qua khỏi đoạn đường ngập nước, bạn dừng xe lại, trả về số 0, dựng chống đứng, rú ga mạnh từng hồi để tống ra ngoài nước đọng bên trong ống pô, sau đó có thể cho xe chạy tiếp.
Nhiều xe tốt có thể chạy ở những đoạn đường ngập nước dài khoảng 700-800m không gặp vấn đề gì, nhưng sau đó xe đề khó nổ và có lúc nổ máy khi được khi không. Nếu để ga lớn, máy chạy bình thường nhưng xe chạy được một đoạn thì tắt máy. Hoặc xe bị tắt máy giữa đường ngập nước. Bạn xử lý ra sao ?
Bạn cần mang xe đến tiệm sửa xe cho thợ tháo nắp đuôi cá bên trái xe ra, dùng bơm khí nén thổi khô các bộ phận đánh lửa và bu-gi. Đừng quên xịt hơi vào cục IC và dây điện. Sau đó, tháo ống pô trút nước ra hết và thổi sạch bên trong. Gặp trường hợp nước đã vào bình xăng con, phát ra tiếng kêu “lụp bụp”, bạn khóa xăng lại, sử dụng một tuộc-nơ-vít (tournevis) vặn lỏng con ốc ở đáy bình xăng con, xả cho xăng hòa lẫn với nước chảy ra theo ống cao su thoát, sau đó vặn chặt lại ốc xả, mở khóa xăng. Bạn cũng nên rút cây đo nhớt ra và quan sát màu nhớt máy.
Nếu nhớt máy từ màu đen đã chuyển sang màu cà phê sữa, đó là dấu hiệu nước đã hòa lẫn vào nhớt, cần thay nhớt cũ ngay, sau đó khởi động máy trở lại và cho xe chạy bình thường. Bạn cần lưu ý, một khi xe máy đã chạy qua đoạn đường ngập nước, các bố thắng trước và sau đều bị ướt, xe thắng không “ăn”. Cũng vì vậy, bạn cần đạp thắng chân song song với bóp thắng tay khoảng chục lần khi xe đang chạy, cách này có thể tống nước đọng ra khỏi đùm và làm khô các bố thắng.
TRẦN CỬU HƯNG