Bác Hồ, vị cha già, lãnh tụ của dân tộc Việt Nam, hình ảnh của Người luôn sống trong tiềm thức của mỗi người dân với tất cả lòng tôn kính. Điều này cũng trở thành một thách thức đối với những nhà làm phim nói riêng và các sáng tác về Bác ở mọi loại hình nghệ thuật khác nói chung.
Những hình ảnh, những thước phim tư liệu và cả những tư liệu được ghi chép từ người thân cận, đồng chí, anh em… về Bác, là nguồn tài nguyên phong phú giúp những nhà làm phim có thể khai thác khi muốn xây dựng lại hình ảnh của Bác. Nhưng cũng chính vì sự phong phú này mà các tác phẩm điện ảnh về Bác thường bị “săm soi” nhiều nhất. Tác phẩm đó có xứng tầm không, nhân vật đó trông có giống Bác không từ ngoại hình đến những hành động, cử chỉ, giọng nói… đều được xem xét. Nói vậy không có nghĩa là nếu chúng ta không thể tìm ra một diễn viên có ngoại hình giống Bác thì chúng ta sẽ không thể làm phim về Bác.
Thế giới cũng đã làm nhiều bộ phim về các lãnh tụ. Nhân vật đóng vai vị lãnh tụ phải có ngoại hình giống, tuy nhiên diễn xuất của nhân vật, thần thái toát ra từ nhân vật phải giống nguyên mẫu, đặc biệt là cốt truyện mới được các nhà làm phim đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một cốt truyện thu hút, diễn xuất của diễn viên tốt, lột tả được cái thần từ nguyên mẫu, thì dù bề ngoài của diễn viên không giống nguyên mẫu cho lắm người xem cũng dễ dàng bỏ qua, thậm chí nếu đóng quá đạt còn có thể khiến người xem quên luôn sự khác biệt về ngoại hình. Tuy nhiên, nếu một bộ phim không tạo nên sự hấp dẫn người xem thì những nhược điểm, cho dù nhỏ nhất, cũng bị đem ra “mổ xẻ”. Đây chính là vấn đề mà bộ phim Nhìn ra biển cả của Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam mắc phải.
Câu chuyện về Bác được kể trong bộ phim thuộc một giai đoạn ngắn trong cuộc đời của Bác. Đó là giai đoạn Bác ở độ tuổi mười tám - đôi mươi, đang là học sinh của Trường Quốc học Huế. Do tham gia phong trào chống sưu cao, thuế nặng, Bác (lúc đó có tên là Nguyễn Tất Thành) đã bị buộc thôi học và bắt đầu cuộc phiêu lưu khắp dải đất miền Nam Trung bộ trước khi dừng chân ở Phan Thiết, trở thành thầy giáo của trường Dục Thanh.
Bộ phim chủ yếu dừng lại ở thời điểm này để khắc họa hình ảnh một thầy giáo trẻ mang trong mình hoài bão lớn, một thầy giáo tận tụy với học trò. Xen kẽ trong câu chuyện phim là những mối quan hệ của người thanh niên Nguyễn Tất Thành đối với gia đình, với các cộng sự và với các chí sĩ yêu nước đang bế tắc trên con đường đi của mình. Bảng lảng trong phim là chút tình cảm riêng của một cô học trò đối với thầy để phim có thêm màu sắc…
Trả lời phỏng vấn một số báo, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, tư liệu về thời gian này trong cuộc đời Bác tương đối ít, cứ liệu quan trọng để xây dựng kịch bản là các lá thư được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, của những người từng là học trò của thầy giáo Nguyễn Tất Thành. Nhà biên kịch đã mạnh dạn hư cấu thêm một số tình tiết để tạo sự hấp dẫn cho bộ phim. “Chúng tôi có quyền hư cấu, làm đẹp lên, gây xúc động” - bà Hồng Ngát nói.
Tuy nhiên, thật khó tìm trong bộ phim những cao trào khiến người xem có thể xúc động. Mặc dù nói rằng hư cấu để làm bộ phim hay hơn, nhưng rõ ràng các nhà làm phim đã để lộ những lúng túng, sức ép tâm lý khi làm một bộ phim về Bác, người được xem là vĩ nhân. Người thanh niên trong phim chưa có được thần thái, khí phách của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, chưa tạo được sự gần gũi, thân thiện như hình ảnh về Bác vốn quen thuộc với người dân Việt Nam . Đó mới chỉ là một thanh niên ở tuổi đôi mươi, song có cảm giác các nhân vật khác trong phim ai cũng biết đây sẽ là lãnh tụ tương lai! Khoảng cách, sự kính nể của các nhân vật xung quanh nhân vật chính khiến cho câu chuyện trở nên khiên cưỡng.
Tình tiết thầy Thành bị học trò nữ nắm tay đã rụt lại và quay đầu chạy không những không tạo nên sự thi vị mà còn khiến người xem buồn cười. Đó là chưa kể diễn viên Nguyễn Minh Đức ít có nét giống Bác thời còn trẻ. Gương mặt thầy Nguyễn Tất Thành theo một số hình ảnh còn lưu giữ là một gương mặt dài, gầy, vầng trán cao, cương nghị, còn gương mặt của diễn viên Minh Đức ngược lại: tròn, đầy và hơi có vẻ công tử.
Thêm một nhược điểm nữa mà khá nhiều phim Việt mắc phải, trong đó có cả Nhìn ra biển cả, đó là thoại quá nhiều… Đặc biệt, điều khiến người xem khó chịu là giọng thoại của các nhân vật. Bởi vì, tất cả các nhân vật trong phim đều nói giọng Bắc, trong khi bối cảnh và các nhân vật lại từ Huế trở vào Phan Thiết. Ngay cả một trong những lý do đoàn phim chọn diễn viên Minh Đức vào vai Nguyễn Tất Thành là do Đức là người Nghệ An, song giọng nói này cũng không được khai thác trong phim. “Để phim được phổ cập từ Bắc và Nam, ai xem cũng hiểu thoại” là lý do mà đoàn phim đưa ra đã không thể thuyết phục.
Khi mà một bộ phim ít đọng lại trong lòng người xem thì những điều được coi là thứ yếu lại nổi lên. Với Nhìn ra biển cả, nhiều người sau khi xem xong đã thắc mắc: bộ phim liệu có đáng giá 7 tỷ đồng hay không?
* Phim truyện nhựa do Hội Điện ảnh VN sản xuất theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh. Kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: Vũ Châu; các diễn viên: Minh Đức, Thu Hà, Mạnh Cường, Trung Anh, Trung Hiếu… Phim được chiếu nhân kỷ niệm các ngày lễ 30-4, 1-5, 7-5, 19-5.
Hà Giang