Xem trọng giá trị di sản văn hóa

Ủy ban Nhân dân TPHCM đã đồng ý giữ lại công trình thủy đài ở số 1 Công trường quốc tế, quận 3 (nằm trong khuôn viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn-PV) để lập hồ sơ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp TP.

Đây là tin vui vì trước đó vài tháng có tin tháp nước 115 tuổi đời này sẽ bị phá bỏ hoàn toàn để thực hiện dự án xây dựng cao ốc Trung tâm thương mại - văn phòng - khách sạn. Tháp nước này người Pháp xây dựng vào năm 1896, cho đến nay là tháp nước lâu đời nhất tại Sài Gòn.

Lâu nay, câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa đã trở nên “nóng” tại nhiều hội thảo khoa học, tại các buổi tọa đàm và cả nơi nghị trường. Làm sao để người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa… là những vấn đề ngày càng được nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp đề cập. Thực tế thời gian qua, tình trạng nhiều di tích tại TPHCM bị xâm hại, bị lấn chiếm và xuống cấp nghiêm trọng vẫn là câu chuyện thời sự, được dư luận quan tâm theo dõi.

Mới đây, tại buổi làm việc của đoàn công tác UBND TPHCM với các ngành hữu quan về dự án quy hoạch Xí nghiệp liên hiệp Ba Son, nhiều cán bộ trong đoàn đã ngạc nhiên khi nhắc đến chuyện bảo tồn di sản. Ai cũng biết, Ba Son là di tích lịch sử (được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận năm 1993) nên UBND TP rất lưu ý, khi quy hoạch khu đất này phải giữ gìn và bảo tồn di tích xưởng đóng tàu Ba Son và nhà lưu niệm Tôn Đức Thắng. Nơi đây là cái nôi phong trào đấu tranh của các tầng lớp công nhân Sài Gòn từ trước giải phóng. Xưởng cơ khí mang số 323, đường số 12 trong khuôn viên xí nghiệp là nơi người thợ máy Tôn Đức Thắng từng làm việc và hoạt động cách mạng trong thời gian dài.

Thế nhưng khi trình bày về bảo tồn di tích, một cán bộ của đơn vị này lại phát biểu: “Chúng tôi sẽ bảo tồn di tích, nhưng bảo tồn thì cũng có nhiều cách. Nhất định chúng tôi sẽ cho ghi hình, chụp ảnh lại các địa điểm, hiện vật liên quan đến chủ tịch Tôn Đức Thắng làm phim tư liệu và trình chiếu cho người dân xem”!? Nhiều cán bộ văn hóa ngỡ ngàng với cách bảo vệ và bảo tồn di sản lạ lẫm này: từ di sản hữu hình thành vô hình, từ di sản văn hóa vật thể thành phi vật thể! Vấn đề vẫn còn phải chờ quyết định cuối cùng từ các cấp thẩm quyền, nhưng cách hành xử với di sản văn hóa như thế thật khó hiểu…

Minh An

Tin cùng chuyên mục