Xếp “sao” cho bệnh viện

Giá dịch vụ tăng rồi nhưng vô bệnh viện không có chỗ ngồi chờ, giường nệm lem luốc, vệ sinh không sạch gây nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện là khó chấp nhận. Và đó chính là những tiêu chí chất lượng bệnh viện"
Xếp “sao” cho bệnh viện

Mức độ hài lòng của đa số người bệnh chưa nhiều; tình trạng tai biến sau điều trị không được công khai; quy trình khám chữa bệnh chưa chuẩn hóa; tiếng nói người bệnh chưa được tôn trọng; thái độ y bác sĩ còn hoạnh họe… Đó là những hạn chế nổi bật ở các bệnh viện hiện nay trong cả nước được các chuyên gia y tế mổ xẻ tại hội nghị tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong 2 ngày (13 và 14-12) vừa qua tại TPHCM do Bộ Y tế tổ chức.

  • Bệnh nhân khổ

"Giá dịch vụ tăng rồi nhưng vô bệnh viện không có chỗ ngồi chờ, giường nệm lem luốc, vệ sinh không sạch gây nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện là khó chấp nhận. Và đó chính là những tiêu chí chất lượng bệnh viện"

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên

Dù đã được triển khai từ tháng 9-2012, nhưng đến nay Chỉ thị 05 của Bộ trưởng Bộ Y tế về thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh vẫn chưa được như mong đợi. Đó là nhận định của PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khi cho biết kết quả kiểm tra sơ bộ còn quá khiêm tốn.

Cụ thể chỉ mới 14,3% bệnh viện mua thêm các trang thiết bị y tế cần thiết; 35,7% bố trí thêm buồng khám, phòng khám, quầy phát thuốc, nơi thu tiền; 64,3% công khai giá viện phí và chỉ 14,3% phát số tự động chờ khám bệnh... Về số giường bệnh, theo PGS Khuê, thời gian qua đã tăng thêm được 1.050 giường. Trong đó Bệnh viện Bạch Mai tăng 100 giường, Bệnh viện Ung bướu Trung ương 300 giường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương 150 giường và đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam 500 giường.

“Về cơ bản đã có sự chuyển biến nhưng quyết tâm của lãnh đạo một số đơn vị trung ương, địa phương chưa mạnh mẽ, một số địa phương chưa được duyệt giá viện phí nên chưa có nguồn lực đầu tư”, PGS Lương Ngọc Khuê nói… Nhằm giúp các bệnh viện có điều kiện nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, Bộ Y tế vừa phê duyệt việc điều chỉnh giá viện phí mới cho 34/38 bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện ở 48/63 tỉnh, thành.

Với tiêu chí chất lượng mới, tình trạng chen chúc trong các bệnh viện liệu có giảm?

Với tiêu chí chất lượng mới, tình trạng chen chúc trong các bệnh viện liệu có giảm?

Tuy nhiên, giá dịch vụ tăng nhưng chất lượng khám, điều trị chưa được nâng cao tương xứng. Thực tế cho thấy, mới chỉ bắt đầu nên ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trung ương cũng như địa phương, nhất là các bệnh viện chuyên khoa vẫn chưa có đổi mới rõ rệt. Tình trạng người bệnh chờ đợi, chen lấn, nằm ghép chưa được cải thiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, chỉ thị của Bộ Y tế rất quyết liệt để nâng cao chất lượng khám, điều trị và sự hài lòng của người bệnh. “Người bệnh là trung tâm và mọi hoạt động của bệnh viện đều phải hướng tới hiệu quả, hài lòng của người bệnh, nếu không thì bệnh viện rơi vào vòng lẩn quẩn”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên bày tỏ. Nói về những hành động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Thứ trưởng cho biết tập trung chính vẫn là nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, nêu cao y đức. Tiếp đó tập trung chấn chỉnh tại các khoa khám bệnh, coi khoa khám như bộ mặt của bệnh viện. Và một loạt biện pháp khác như công khai giá dịch vụ y tế tại khu vực dễ quan sát; bố trí buồng khám, phát thuốc, thanh toán viện phí thuận tiện; tăng cường ứng dụng công nghệ, phần mềm kê đơn; tập trung nguồn kinh phí để cải tạo, mở rộng cơ sở; cung ứng đủ thuốc, vật tư, hóa chất, và đặc biệt hạn chế tối đa người bệnh nằm ghép… “Nói nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhưng vô bệnh viện mà bệnh nhân vẫn than thở, xếp hàng dài chờ cả buổi thì không thể nói bệnh viện có chất lượng được”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên nói.

  • Bệnh viện có “sao”

Theo các chuyên gia y tế, từ trước đến nay, Bộ Y tế có nhiều văn bản yêu cầu nâng cao chất lượng bệnh viện nhưng thực tế chưa có tiêu chí cụ thể. Chính vì vậy mỗi nơi làm mỗi kiểu, không theo một quy chuẩn. Thậm chí có những bệnh viện vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã lơ là việc quản lý chất lượng bệnh viện. “Có bệnh viện quá tải nhưng không muốn cải tiến quy trình khám, điều trị vì bệnh nhân có chen chúc thì y bác sĩ mới có uy, mới nạt nộ được”, một chuyên gia y tế nhìn nhận. Còn khi có tai biến xảy ra thì đùn đẩy trách nhiệm, không muốn thừa nhận, công khai để rút kinh nghiệm.

Nói như bác sĩ Kenichiro Taneda, Quản lý chất lượng và an toàn người bệnh của Tổ chức Y tế thế giới, những rủi ro và sai sót trong y khoa rất dễ xảy ra, tuy nhiên việc báo cáo những tai biến ở các bệnh viện Việt Nam chưa được coi trọng. Trong khi tìm hiểu nguyên nhân, khắc phục sự cố rủi ro và tránh lặp lại tai biến tương tự là rất cần thiết. Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận hầu hết bệnh viện chưa xây dựng quy trình bình bệnh án, bình đơn thuốc nên không rút được bài học, kinh nghiệm. “Có bác sĩ kê toa thuốc gì tới 9 - 10 loại mà không ai quan tâm thì có chết bệnh nhân không?”, một chuyên gia băn khoăn. Trong khi đó, PGS Lương Ngọc Khuê tỏ ra bức xúc vì các bệnh viện cả công lẫn tư thường không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau mặc dù trên cùng bệnh nhân, cùng chỉ số…

Trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện. Theo đó, các bệnh viện phải lấy người bệnh làm trung tâm; phải xây dựng kế hoạch, đề án về quản lý chất lượng trong bệnh viện; áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng được Bộ Y tế thừa nhận; xây dựng cơ sở dữ liệu, chỉ số chất lượng và đo lường chất lượng bệnh viện; tổ chức triển khai các quy định và hướng dẫn chuyên môn trong khám, chữa bệnh và thực hiện kiểm định chất lượng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế… Đồng thời, Bộ Y tế cũng xây dựng Tiêu chí bệnh viện Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đây là thước đo sự nỗ lực phấn đấu của các bệnh viện nhằm phục vụ bệnh nhân. Dự thảo gồm 15 tiêu chí hướng đến việc làm hài lòng bệnh nhân và 20 tiêu chí dành cho quản lý và chất lượng chuyên môn của bệnh viện. Các tiêu chí đều chia từ mức 1 đến 5 và các chuyên gia y tế ví von là 1 - 5 “sao” như khách sạn. Ở mức 1 (chất lượng yếu, kém), mức 2 (trung bình), mức 3 (khá), và mức 4 - 5 (tốt, rất tốt). Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, từ năm 2014 - 2015, các bệnh viện tự đánh giá, xếp loại. Nếu tiêu chí ở mức 1, 2 thì chưa đạt yêu cầu; cơ bản đạt toàn bộ tiêu chí 3 thì chất lượng chấp nhận được và có nhiều tiêu chí 4, 5 thì chất lượng tốt... Tuy nhiên, không ít ý kiến băn khoăn, liệu các bệnh viện có đáp ứng được tiêu chí hay không muốn cải thiện để đạt tiêu chí? “Lo khám, điều trị không xuể thì làm sao lo phấn đấu để được gắn sao”, một chuyên gia y tế lo ngại. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục