(SGGPO).- Hôm nay 21-8, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tiêu cực đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn, TPHCM tiếp tục với phần thẩm vấn về những khoản tiền bị cáo Trần Thị Hà (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng, thương mại và kinh doanh nhà Thành Phát) đưa cho Nguyễn Văn Khỏe (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn) để được giúp đỡ khi thực hiện dự án cụm dân cư tại xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn.
Mặc dù tại cơ quan điều tra đã khai về việc đưa - nhận nửa chiếc sừng tê giác trị giá 10.000 USD và 1 tỷ đồng để đặt cọc mua xe ô tô nhưng tại phiên tòa, bị cáo Hà và bị cáo Khỏe phủ nhận những lời khai này. Cả hai cho rằng việc khai nhận tại cơ quan điều tra là do bị điều tra viên mớm cung. Thẩm phán Vũ Phi Long, chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: “Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần trước, các bị cáo cũng khai như vậy. Nếu nói rằng lời khai nhận tội tại cơ quan điều tra là theo hướng dẫn của điều tra viên, vậy khi ra tòa điều tra viên không đi theo, tại sao vẫn khai giống như lúc ở cơ quan điều tra?”. Chủ tọa phiên tòa cho công bố biên bản đối chất giữa bị cáo Hà và bị cáo Khỏe với sự chứng kiến của luật sư Trần Văn Tạo – luật sư bào chữa cho bị cáo Khỏe. Tại buổi đối chất, cả hai cùng thừa nhận: Hà đến nhà tặng Khỏe một chiếc sừng tê giác trị giá 20.000 USD nhưng Khỏe chỉ nhận nửa chiếc, Hà gặp Khỏe tại một quán cà phê trên đường Mạc Đĩnh Chi quận 1 để đưa 1 tỷ đồng đặt cọc mua xe ô tô.
Cũng trong buổi sáng, hội đồng xét xử chuyển sang thẩm vấn hành vi sai phạm của các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Chợ Lớn (viết tắt là Agribank Chợ Lớn) trong việc cho Công ty Thành Phát vay 3.000 lượng vàng và 18 tỷ đồng để thực hiện dự án khu dân cư tại xã Đông Thạnh huyện Hóc Môn, tạo điều kiện cho vợ chồng bị cáo Hà chiếm đoạt 10,5 tỷ đồng của ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Công Định (36 tuổi, nguyên nhân viên tín dụng Agribank Chợ Lớn) thừa nhận đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước trong việc xét duyệt, thẩm định và xét cho vay khi lập và trình hồ sơ lên cấp trên, giúp vợ chồng Hà được vay tiền của ngân hàng dù không đủ điều kiện, qua đó nhận từ Hà số tiền 199 triệu đồng. Theo chủ tọa phiên tòa, hành vi của Định không chỉ là “Nhận hối lộ” như cáo trạng đã quy kết, lẽ ra còn có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Trước vành móng ngựa, Trần Văn Tuyến (nguyên Giám đốc Agribank Chợ Lớn) và Lưu Thị Minh Hiền (nguyên Phó giám đốc Agribank Chợ Lớn, lúc xảy ra vụ án là Trưởng Phòng Tín dụng Agribank Chợ Lớn) đổ trách nhiệm cho cấp dưới, có xuống kiểm tra thực địa nhưng không thấy điều gì đáng nghi ngờ về hiệu quả của dự án, khẳng định việc giải ngân cho Công ty Thành Phát là theo đúng tiến độ.
Để làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng của các bị cáo, chủ tọa phiên tòa phân tích: “Tài sản thế chấp là toàn bộ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất dự kiến hình thành của dự án khu dân cư. Vào ngày 26-9-2005, ngân hàng không nắm trong tay bất kỳ quyển sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của các hộ dân chuyển nhượng đất trong dự án cho Công ty Thành Phát mà vẫn giải ngân, trong khi theo quy định là doanh nghiệp phải có được 80% diện tích đất thì mới được cho vay. Dù cho hồ sơ, giấy tờ đầy đủ thì với kinh nghiệm, sự nhạy bén của mình, bị cáo có quyền không phê duyệt cho vay. Những lúc như thế này mới cần đến sự nhạy cảm, tài giỏi của người lãnh đạo”.
*Buổi chiều, vấn đề đảo nợ cũng được Hội đồng xét xử thẩm vấn làm rõ. Theo cáo trạng, trong khi cơ quan công an đang tiến hành điều tra các sai phạm tại Công ty Thành Phát và Agribank Chợ Lớn, đầu năm 2007 Trần Văn Tuyến đơn phương gặp và đề nghị lãnh đạo Công ty TNHH 12 (là đơn vị khách hàng đang có dư nợ vốn vay tại Agribank Chợ Lớn 107 tỷ đồng) nhận dự án thay cho Công ty Thành Phát, hứa sẽ cho công ty này vay vốn để tiếp tục thực hiện dự án.
Tháng 6-2007, Agribank Chợ Lớn lập thủ tục đảo nợ để Công ty 12 nhận nợ thay Công ty Thành Phát. Khi được hỏi vì sao không hỏi ý kiến Trần Thị Hà về việc chuyển dự án của Công ty Thành Phát sang cho Công ty 12, bị cáo Lưu Thị Minh Hiền cho rằng vì lúc đó Hà đã bị bắt. “Không thể vì bị cáo Hà đã bị bắt mà người ở ngoài có quyền quyết định tài sản của Hà. Thật ra đây là biện pháp ngân hàng thu hồi vốn một cách bất hợp pháp”, chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Ngày mai 22-8, phiên tòa tiếp tục làm việc.
>>Các bị cáo vẫn bị truy tố, xét xử theo tội danh cũ
ÁI CHÂN