Xét xử vụ sát hại Phó Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận, TPHCM: Phạm tội không phải do bồng bột

Hôm nay 5-4, Tòa án nhân dân TPHCM đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sát hại Phó Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận. Hai bị cáo Nguyễn Trọng Nhân (SN 1980, ngụ quận 10), Lương Hoài Sang (SN 1990, ngụ huyện Củ Chi) cùng bị truy tố về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.
Xét xử vụ sát hại Phó Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận, TPHCM: Phạm tội không phải do bồng bột

(SGGPO).- Hôm nay 5-4, Tòa án nhân dân TPHCM đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ sát hại Phó Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận. Hai bị cáo Nguyễn Trọng Nhân (SN 1980, ngụ quận 10), Lương Hoài Sang (SN 1990, ngụ huyện Củ Chi) cùng bị truy tố về hai tội “Giết người” và “Cướp tài sản”.

Tại phiên xử lần trước diễn ra vào ngày 15-3, Hội đồng xét xử đã phải quyết định hoãn phiên tòa sau khi luật sư Phạm Quốc Hưng (được chỉ định làm luật sư bào chữa cho cả hai bị cáo trong vụ án) bất ngờ xin hội đồng xét xử cho phép không tiếp tục bào chữa cho Lương Hoài Sang (bị cáo Sang bị truy tố về tội “Giết người” ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình, theo quy định của pháp luật bắt buộc phải có luật sư bào chữa). Sau đó, Đoàn Luật sư TPHCM chỉ định luật sư Đào Thị Bích Liên bào chữa cho bị cáo Sang.

Xét xử vụ sát hại Phó Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận, TPHCM: Phạm tội không phải do bồng bột ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Trọng Nhân (trái) và Lương Hoài Sang tại phiên tòa

Tại phiên xử lần này, Nguyễn Trọng Nhân có dấu hiệu sức khỏe không tốt nên hội đồng xét xử mời bác sĩ kiểm tra sức khỏe của bị cáo. Qua kiểm tra cho thấy Nhân bị cao huyết áp và căng thẳng thần kinh, do vậy để đảm bảo sức khỏe cho bị cáo, hội đồng xét xử cho phép Nhân được ngồi trong quá trình thẩm vấn.

Theo cáo trạng, vợ của Nhân là nhân viên Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận. Khi nghe vợ mình kể lại chuyện thường bị bà Bùi Ngô Thị Mỹ (Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Phú Nhuận) nhắc nhở, khiển trách, không tạo điều kiện phát triển nên Nhân nghĩ bà Mỹ trù dập, chèn ép vợ mình. Từ đó, Nhân rủ Sang cùng đến nhà bà Mỹ để cướp tài sản lấy tiền tiêu xài. Cả hai đã hai lần đến nhà bà Mỹ ở địa chỉ 72/1 Huỳnh Văn Bánh phường 15 quận Phú Nhuận nhưng chưa có dịp ra tay.

Trưa 20-9-2010, Nhân và Sang lại đến nhà bà Mỹ. Lợi dụng lúc nhà vắng người, hai bị cáo khống chế, tra khảo bà Mỹ hỏi nơi cất tiền và dùng vợt tennis đánh bà Mỹ cùng con gái là chị Trần Thu Hương. Đúng lúc này, bà Đặng Thu Hồng (bạn thân của bà Mỹ, Phó Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận) đến nhà bà Mỹ nên bị Nhân dùng vợt tennis đánh và dùng dao đâm nạn nhân 24 nhát cho đến khi bà chết hẳn. Chưa dừng tay, phát hiện mẹ con bà Mỹ còn sống, Nhân đâm tiếp bốn nhát vào người chị Hương và một nhát vào cổ bà Mỹ. Gây án xong, Nhân và Sang định bỏ trốn nhưng bị bao vây, bắt giữ.

Được đưa đi cấp cứu kịp thời, mẹ con bà Mỹ thoát chết. Theo kết quả giám định pháp y, bà Mỹ bị thương tật 14% vĩnh viễn, chị Hương bị thương tật 4% vĩnh viễn.

Trả lời thẩm vấn của hội đồng xét xử, bị cáo Nhân khai rằng mình không có ý định cướp tài sản như cáo trạng quy kết, đồng thời không cố ý sát hại nạn nhân Đặng Thu Hồng và mẹ con bà Mỹ; mục đích rủ Sang đến nhà bà Mỹ chỉ để xin giảm nhẹ mức kỷ luật cho vợ; bị cáo chỉ định đánh bà Hồng nhưng trong lúc hoảng loạn, bị cáo quơ dao trúng người bà. Tuy nhiên, những lời khai này đã bộc lộ nhiều điểm không hợp lý. Thẩm phán Vũ Phi Long – Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Bị cáo cùng bị cáo Sang mang theo hung khí vào nhà, tấn công, đánh đập hai người phụ nữ rồi nói rằng sau đó sẽ bỏ về - liệu lời khai này có ổn không? Làm sao bị cáo có thể thả những người đã biết mặt bị cáo? Còn nếu nói về hoảng loạn thì chính bà Hồng mới là người phải hoảng loạn chứ không phải bị cáo. Và thử hỏi, một người trong lúc hoảng hốt có thể dùng vợt tennis đánh 8 nhát và dùng dao đâm 24 nhát vào người khác không? Cho rằng bị cáo té, quơ dao trúng bà Hồng thì chỉ 1 nhát thôi, vậy 23 nhát còn lại là gì? Chưa kể trong lúc hoảng loạn thì không thể phân biệt ai là người phía bên mình, ai không phải; bị cáo Sang đứng ngay kế bên bà Hồng nhưng bị cáo không đâm trúng nhát nào, chứng tỏ bị cáo rất tỉnh táo”.

Chủ tọa phiên tòa nhận định thêm: hội đồng xét xử đã nhận được nhiều đơn của bạn bè, hàng xóm bị cáo Nhân xin xem xét, khoan hồng cho bị cáo với lý do bị cáo phạm tội do bồng bột nhất thời. Tuy nhiên, hành vi phạm tội của Nhân chắc chắn không xuất phát từ sự bồng bột; bởi từ tháng 7-2010 đến tháng 9-2010 bị cáo đã 5 lần lên kế hoạch và rủ rê Sang đi cùng sang nhà bà Mỹ, ngày gây án bị cáo chuẩn bị đầy đủ hung khí.

Về phần Lương Hoài Sang, Chủ tọa cũng phân tích: “Bị cáo có suy nghĩ tại sao 3 lần bị cáo không tham gia thì Nhân không ra tay, chỉ đến khi bị cáo đi chung thì Nhân mới gây án hay không? Và nếu là người biết ăn năn, hối hận trước hành vi mình lỡ gây ra, khi thấy bà Mỹ còn sống thì bị cáo phải kêu xe cấp cứu hay bỏ bà Mỹ ở đó mà lo bỏ trốn; đằng này bị cáo lại báo cho người đang cầm dao (bị cáo Nhân) biết để xử lý nốt”.

Được mời lên thẩm vấn, bà Bùi Ngô Thị Mỹ cho biết bị cáo Sang có vai trò quan trọng trong vụ án: chính bị cáo đâm vào cổ, chích điện và dùng vợt tennis đập vào người bà; khi thấy bà có muốn bỏ chạy thì Sang đạp lên người bà cho đến khi bà bất tỉnh. Còn chị Trần Thu Hương khẳng định: bị cáo Nhân ra tay với nạn nhân Hồng rất dã man, cố ý đâm nhiều nhát cho đến khi nạn nhân chết hẳn, bị cáo không đâm một cách hoảng loạn mà đâm có chủ ý.

Buổi chiều, phiên tòa bước sang phần tranh luận. Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nhận định hành vi và đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Theo đó, Nguyễn Trọng Nhân là người chủ mưu trong vụ án, rủ rê Lương Hoài Sang cùng tham gia và chuẩn bị tất cả các hung khí để phạm tội. Nhân cũng chính là người đã dùng vợt tenis đánh nhiều cái vào người nạn nhân Đặng Thu Hồng và dùng dao đâm bà Hồng tổng cộng 24 nhát; đồng thời đâm, cắt cổ bà Bùi Ngô Thị Mỹ, chị Trần Thu Hương. Còn Lương Hoài Sang đóng vai trò là đồng phạm giúp sức, nếu không có Sang thì Nhân cũng không dám gây án một mình và vụ việc đáng tiếc sẽ không xảy ra.

Công tố viên cho rằng hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân, gây ảnh hưởng đến trật tự trị an của xã hội. Các bị cáo phạm tội mang tính côn đồ, dã man, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; việc bà Mỹ và chị Hương không chết là ngoài ý muốn của các bị cáo. Mặc dù hai bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, gia đình bị cáo Nhân có đóng góp cho cách mạng, mẹ bị cáo Nhân đã nộp 80 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả cho gia đình nạn nhân… nhưng hai bị cáo không còn khả năng cải tạo, cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.

Từ những nhận định trên, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Nhân mức án tử hình về tội “Giết người”, 9 – 10 năm tù về tội “Cướp tài sản”; bị cáo Lương Hoài Sang mức án tử hình về tội “Giết người”, 7 – 8  năm tù về tội “Cướp tài sản”. Hình phạt chung dành cho hai bị cáo là tử hình.

Ngày mai 6-4, hội đồng xét xử sẽ tuyên án.

ÁI CHÂN

>> Vụ sát hại Phó Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận: Ngày 5-4 mở lại phiên xử sơ thẩm

>> Xét xử vụ sát hại Phó bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận TPHCM: Hoãn phiên tòa do luật sư từ chối bào chữa cho bị cáo

>> Truy tố hung thủ sát hại Phó Bí thư quận Phú Nhuận

Tin cùng chuyên mục