Xiếc dạo trên đất Tây đô

Xiếc dạo trên đất Tây đô

(SGGP 12G).- “Tùng… tùng… phèng… phèng… hây!”. Đó là những âm thanh quen thuộc mà thực khách dễ dàng nghe thấy ở các quán nhậu, nhà hàng tại thành phố Cần Thơ. Ngay sau tiếng la lớn “Hây!” là màn biểu diễn ngậm than hồng, nuốt rắn của hai đứa trẻ…

Nghiệp gia truyền

Xiếc dạo trên đất Tây đô ảnh 1
Thắng với màn nuốt rắn

Hai đứa trẻ áo quần sặc sỡ bước vào một quán nhậu trên đường 3 Tháng 2, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.  Thực khách chưng hửng khi chúng móc ra mấy cục than, vài con rắn lục, thanh đoản kiếm… Thằng lớn xưng tên Quan Công, 17 tuổi, người nhỏ như đứa trẻ 13 vừa gõ trống tùng... tùng... vừa diễn hài để lôi kéo sự chú ý của thực khách.

Thằng em tên Quan Thắng, 7 tuổi, cười đưa hàm răng sún gần hết, cầm con rắn lục xanh lè đi quanh các bàn nhậu. Vừa hét “Hây!” thật lớn, Thắng há miệng thả con rắn lục dài gần nửa thước đẩy sâu vào cổ họng. Khi con rắn chỉ còn ló khúc đuôi chừng 3cm, Thắng từ từ nắm đuôi lôi con rắn ra. Lẫn trong tiếng la hoảng hốt của nhiều thực khách chứng kiến lần đầu là vài tiếng vỗ tay lốp bốp tán thưởng.

Vừa dứt màn nuốt rắn, Công gắp cục than hồng đưa vào miệng Thắng. Thắng làm mặt hề như bị phỏng rát, rồi nhai than bốc khói xèo xèo… Biểu diễn xong, Công cầm chiếc thau nhỏ đến từng bàn đề xin tiền, nhiều thực thách nữ nhíu mày, xanh mặt vì họ tưởng Công tới bàn để diễn màn nuốt rắn.

Đứng ở góc tối con đường, anh Quan Minh, cha hai đứa bé nói giọng thì thào: “Sống bằng nghề này bấp bênh lắm. Gặp mấy cô cậu sợ tới rùng mình là tiêu, bởi vì làm họ sợ, họ đâu cho tiền boa. Chưa kể nhiều khi khách còn cự chủ quán chỗ ăn, uống nhìn nhai than, nuốt rắn, ăn uống hết vô. Chủ quán dễ tính thì cười xuề xòa, bữa sau mình xin vẫn cho diễn tiếp; chủ quán sợ mất khách thì vừa thấy mặt mình đã đuổi ra”.

Trước đây, mấy cha con anh Minh mưu sinh chủ yếu tại Sài Gòn. Dần dà các quán nhậu không còn mặn nồng với gánh xiếc rong, cha con Minh quyết định tìm về Cần Thơ để lập nghiệp. Mấy năm trước, anh Minh còn trực tiếp biểu diễn, nhưng rồi thời gian tuổi tác, sức khỏe yếu, anh xa dần với cái nghề xiếc không ra xiếc, ảo thuật chẳng ra ảo thuật này. 

Hằng đêm, anh Minh lặng lẽ đưa các con rong ruổi khắp các quán nhậu, nhà hàng để diễn. Vừa tấp vào một quán “nghêu sò” vỉa hè trên đường Đinh Tiên Hoàng, hai đứa trẻ lại ập vào, khua trống tùng… phèng rồi diễn. Thắng lại nuốt rắn và nhai than, Công biểu diễn nuốt đoản kiếm và xỏ rắn qua mũi… Diễn xong, hai đứa toét miệng cười, khom người cám ơn chủ quán và đi đến các bàn xin tiền. Nhiều thực khách thương tình bỏ vào thau vài đồng lẻ; cũng không ít người thờ ơ, thậm chí chau mày xua đuổi…

Gần hết đêm, anh Minh đưa tay nhặt nhanh tiền boa con đưa nhét sâu vào túi. Nhìn dáng vẻ mệt mỏi của anh nên cũng khó mở lời hỏi được ít hay nhiều. Anh Minh cho biết: Không chỉ biểu diễn ở quán nhậu, gặp nơi treo bảng đám cưới, tiệc anh Minh cũng tấp vào xin được diễn. Nơi cho thì diễn, nơi không cho thì mấy cha con lại lếch thếch đi.

Nhọc nhằn

Thằng Quan Công buồn hiu kể chuyện: Khách nhiều khi cũng yêu cầu “quái” lắm. Thấy Công ngậm than nhiều khi khách chê than nhỏ và gắp cục than to kêu ngậm, nhai được mới cho tiền. Có khi khách chê đoản kiếm như kiếm mủ, rồi thảy đôi đũa hay cái muỗng bảo nuốt….

Cùng náu mình né cơn mưa đêm trong một mái hiên ven đường, anh Minh tâm sự về những vui buồn đời xiếc của mình. Anh Minh kể lúc thằng Công còn nhỏ xíu, thấy con ham xiếc, anh không vui chút nào.  Nhưng thôi thì cái nghiệp, trách chi ai; xưa cha anh dạy anh nuốt từng cọng cỏ, xỏ qua mũi thế nào, giờ anh truyền lại cho hai đứa con cũng như thế.

Khi con đã thành thạo màn xỏ cỏ qua mũi, anh mới dạy tiếp bài nuốt rắn. Ban đầu chỉ nuốt đầu rắn sau đó từ từ nuốt tới thân và tới đuôi... Còn ngậm than ban đầu là ngậm mấy cục than nguội cho đừng sặc sụa sau đó mới ngậm than nóng vừa tắt. Khi lưỡi, miệng, mũi của Công và Thắng đã “miễn dịch” với cái tanh nhờn của rắn, hơi nóng bỏng của than, anh Minh mới cho theo diễn…

Khi nhắc đến chuyện học hành của các con, giọng anh Minh như nghẹn lại: “Cha mẹ chỉ để lại cho mình cái nghề này, nghèo khổ, không thể nào cho con học hành đàng hoàng, đành phải cho chúng nối nghiệp. Tôi rất buồn!”. Anh Minh cũng tâm sự thật tình: Biết rằng cái nghề xiếc dạo ngày càng bạc bẽo, lượng khách xem ít dần nhưng hiện tại anh vẫn chưa biết sẽ kiếm nghề gì cho hai đứa con.

Mưa vẫn rơi lớt phớt, thằng Công thúc cha đi diễn. Chiếc xe máy cà tàng chìm dần vào bóng mưa. Đêm nay, có lẽ thu nhập của họ sẽ giảm nhiều vì cơn mưa làm ít khách. Khoác áo mưa ra về, bỗng dưng tôi cứ nhớ đến câu nói cuối cùng của anh Minh: “Hầu như ai cũng nói nghề này là ảo thuật, dối trá để gạt tiền. Không có đâu, phải khổ luyện lột cả lưỡi, bong cả môi và sưng cả mũi mới nuốt được rắn, ngậm được than…”.

Đ.Tuyển – Th.Trần

Tin cùng chuyên mục