Xin đừng thờ ơ, vô cảm

Tại TPHCM có những bệnh viện (BV) luôn trong tình trạng quá tải, bác sĩ làm việc cật lực giành sự sống cho bệnh nhân; trong khi đó có BV chỉ cần nhắc tên cũng làm người dân “e ngại” mỗi khi có nhu cầu khám, chữa bệnh. Thái độ, phong cách làm việc của nhân viên y tế khiến người trong cuộc dè dặt, thậm chí lo sợ, khi đặt sức khỏe, tính mạng của mình vào tay bác sĩ.

10 giờ sáng ngày 1-1-2023, tại Khoa Cấp cứu BV Đa khoa Sài Gòn có lác đác 1, 2 bệnh nhân đang được cấp cứu. Không khí im lặng bao trùm, chỉ có tiếng trò chuyện của nhân viên trong kíp trực. Chị Nguyễn Thị Kim Loan (27 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) sốt ruột chờ được thăm khám khi bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương cẳng chân. Sau khi được chỉ định đi khắp BV tìm bác sĩ với cái chân bị chấn thương, chị được nhân viên đưa vào khoa cấp cứu và ngồi chờ… bác sĩ thăm khám.

Là người nhà, đến BV sau khi nhận cuộc gọi cầu cứu từ chị Loan, tôi nhận thấy: không gian rộng lớn chỉ có 2-3 bệnh nhân và có đến 6 bác sĩ ngồi trực, trò chuyện với nhau, tuyệt nhiên không ai đoái hoài đến những bệnh nhân đang nằm chờ đợi.

Bức xúc của bệnh nhân chưa dừng lại, khi nhân viên trực chụp X-quang không có mặt tại buồng chụp, khiến điều dưỡng phải tất tả đi tìm. Điều đáng nói, đối với cơ sở y tế có số lượng đông bệnh nhân cấp cứu, bác sĩ phải cố gắng phân loại điều trị thì bệnh nhân ngồi chờ là điều dễ hiểu. Đằng này, số bác sĩ, điều dưỡng nhiều hơn bệnh nhân cấp cứu mà phải chờ quy trình đến hàng giờ đồng hồ là điều không thể chấp nhận được, và khi bệnh nhân hỏi han tình hình thì bác sĩ chỉ im lặng.

Quy trình phân loại mức độ cấp cứu BV nào cũng có, tuy nhiên không thể áp dụng cho ngày cấp cứu chỉ có 2-3 bệnh nhân như tại BV nêu trên. Nhất là đối với một BV nằm ngay trung tâm thành phố, nơi có lượng khách du lịch nhiều, nhu cầu cấp cứu lớn thì đừng quá hành chính, máy móc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đem lại sự bất an cho bệnh nhân cũng như người nhà.

Tin cùng chuyên mục